Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Thư, từ mười năm trước

Vào cuối tháng 11 năm 1994, tôi nhận được hai lá thư qua bưu điện, cả hai đều mang địa chỉ tòa soạn tạp chí Văn Học. Cái thứ nhất là thư mời mua báo dài hạn, ký tên tổng thư ký tòa soạn Thạch Hãn. Thư thứ hai gồm vài dòng ngắn ngủi nhưng đầy khích lệ của chủ bút Nguyễn Mộng Giác về truyện ngắn”Tháp Ký Ức” tôi gửi Văn Học mấy hôm trước. Tôi đặt mua một năm báo, và truyện của tôi được đăng trong Văn Học giai phẩm xuân Ất Hợi (tháng 1 & 2 năm 1995). Tất nhiên là những điều này (mua báo dài hạn và bài được chọn đăng) hoàn toàn không liên quan với nhau.

Trong lời bạt của tập truyện Tháp Ký Ức, sau này đăng lại trong tập Bạn Văn, Một Thuở..., nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã diễn tả chính xác tâm trạng bỡ ngỡ của tôi trong lần hội ngộ đầu tiên giữa tôi và những cây bút tên tuổi thuộc nhóm Văn Học. Ở buổi họp mặt tất niên này tôi có được cơ hội gặp, làm quen, và bắt đầu những quan hệ tốt đẹp, đi xa hơn biên giới văn chương. Trong số những người bạn thân thiết nhất, phải kể đến anh Trương Văn Hùng, một độc giả trung thành của Văn Học. Cũng vào thời điểm này, danh sách Ban biên tập tạp chí Văn Học gồm có quý vị Mai Kim Ngọc, Nguyễn Xuân Hoàng, Thạch Hãn Lê Thọ Giáo, và Nguyễn Mộng Giác, rất thuận tiện cho tôi gọi họ một cách đùa cợt là “Ngọc Hoàng Dáo Dác, Văn Học tứ nhân bang!” Sau này nhìn lại, tôi cảm thấy mình may mắn tiếp cận Văn Học đúng vào thời kỳ sung mãn nhất của tạp chí này, những năm cuối cùng của thế kỷ 20 (1995 -2000).


Từ xa đến, không thể quên được nơi ấy. Từ khu Phước Lộc Thọ, đi một đoạn ngắn, quẹo phải qua Magnolia, đi thêm chừng một mile, quẹo trái qua McClure, đi thêm một đoạn ngắn là đến Strait. Ngôi nhà nằm ngay góc đường. Số 14321. Căn nhà là một thế giới mở. (Địa chỉ ấy thiếu mất một người – Trần Doãn Nho)

Nhà anh chị Nguyễn Mộng Giác & Diệu Chi, “tổng hành dinh” của tạp chí Văn Học, mà đường đi nước bước đã được nhà văn Trần Doãn Nho mô tả khá chi tiết ở trên, từ đó trở thành một điểm hẹn quen thuộc mỗi khi tôi có dịp ghé quận Cam. Thường thì tôi bấm chuông gọi cửa, nhưng thích nhất vẫn là có được cơ hội bước vào căn nhà chứa xe đang bỏ ngỏ, băng qua dãy kệ sách dọc bức vách bên phải, ngón trỏ chạy ngang gáy của những tờ tạp chí bày thành hàng trên đó và thỉnh thoảng dừng lại ở một số Văn Học mà tôi biết chắc có bài của mình hoặc của một bạn văn thân thiết, bước qua khung cửa nhỏ đưa đến khu vườn sau với những bụi cây trổ hoa vàng viền lối đi dẫn đến khung cửa lớn bằng kính nhìn ra cái hiên rộng với chiếc giàn gỗ màu trắng từ đó những chậu hoa nhỏ đủ loại được treo lủng lẳng...

Chính là ở căn tư gia/tòa soạn này là nơi tôi có cơ hội gặp gỡ hầu hết những tên tuổi quen thuộc trong giới viết lách hải ngoại. Có những người đã đến và đã ra đi vĩnh viễn như cụ Nghiêm Xuân Hồng, họa sĩ Nghiêu Đề, nhà văn Cao Xuân Huy, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang… hoặc những người sau này trở nên bạn đường thân thiết trong việc gầy dựng tạp chí mạng Da Màu như Thường Quán và Đặng Thơ Thơ.

Lê Thọ Giáo (Thạch Hãn) – Nghiêu Đề – Nguyễn Mộng Giác

Cùng với ngày tháng, quan hệ giữa tôi và các anh Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Mộng Giác trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Tuy vậy, cảm giác tôi thường có khi tiếp cận họ có chỗ khác nhau. Trong khi anh Nguyễn Xuân Hoàng và tôi có thể dừng lại rất lâu ở nhiều đề tài ngoài văn chương, những lần đối thoại với anh Nguyễn Mộng Giác thường sẽ bước vào địa hạt văn học rất nhanh. Và tôi có thể nhìn thấy anh sinh động hẳn lên khi thảo luận về tình hình văn học trong, ngoài nước. Niềm đam mê ngút ngàn và trong cùng một lúc, vô cùng nghiêm túc dành cho văn chương của anh Nguyễn Mộng Giác là điều không thể nghi ngờ.

“Tôi cho Viết cũng là một cái đạo, phải hết tâm với nó, viết vì nó chứ không vì cái gì khác thì mới khá được, chứ viết để rồi được danh tiếng, được gái mê thì có cố lắm cũng chỉ được như ông A mà thôi (trừ những người mong được như ông A)…”

Đoạn trên không trích từ một bài diễn văn hoặc nghị luận nảy lửa nào của anh mà từ một lá thư rất riêng tư trong dạng email anh gửi cho tôi vào năm 2002. Lá thư đề ngày 01.07.2002, một cách tình cờ, đúng 10 năm trước ngày anh tạ thế, chứa đựng một số nhận định của anh về người thật việc thật mà tôi sẽ không công bố, nhưng phần chính là những nhận xét, phê phán thẳng thừng anh dành cho tôi.

“Cho nên tôi hơi thất vọng về Phùng sau tập truyện đầu. Phùng viết không từ tâm mình tự nhiên phát ra, mà viết để biểu diễn một cái gì đó…”

Thật ra anh “mắng” tôi còn thậm tệ hơn thế nữa. Tôi e rằng anh nghĩ tôi viết lách chỉ để… tán gái, và do đó tôi cho rằng anh không chỉ hơi thất vọng, anh thật sự thất vọng về tôi (như cô giáo Tố Quyên xinh đẹp của tôi đã có lần). Và có vẻ như anh đã sẵn sàng bỏ cuộc:

“Tôi nói như thế với Phùng cũng bất công, vì tôi tôn chuyện viết lách lên quá cao, trong khi có thể Phùng không xem chuyện viết lách quan trọng đến như thế.”

Nghi vấn của anh Nguyễn Mộng Giác về chuyện tôi xem văn chương đủ quan trọng hay không không phải là không có cơ sở. Nếu tất cả những sáng tác của tôi mang tính tự truyện như Nguyễn Vy Khanh muốn chứng minh, đoạn dưới đây trong truyện ngắn “Nhà Văn” có thể đã đóng góp vào nhận xét của anh:

Tôi thích văn chương, nhưng chưa bao giờ đủ thôi thúc để dẹp bỏ mọi điều và thực sự ngồi xuống chỉ để làm công việc sáng tác. Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày. Tôi chọn viết lách thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán, đánh cá ngựa, chơi ma túy, hoặc la cà hàng đêm ở những quán rượu có nhảy cởi truồng, những điều mà hậu quả chưa hẳn sẽ tệ hơn hậu quả có thể xảy ra cho điều tôi đã chọn lựa. (Tạp chí Việt, tháng 11, 1999)

Trong khi tôi không có nhu cầu phân trần về những nhận xét tiêu cực dành cho mình đến từ những kênh thông tin khó kiểm chứng, tôi vô cùng trân trọng những chỉ trích thẳng thừng, trực diện, nhất là khi chúng đến từ anh Nguyễn Mộng Giác, một trong số hiếm hoi những người mà tôi nhìn vào để đo đạc phẩm giá của chính mình. Ngoài ra, lưu lạc từ thuở nhỏ nhưng chất Quảng Nam vẫn còn nguyên vẹn, tôi xem đây là cơ hội để… cãi nhau với một vị chủ bút uy tín của văn học Hải ngoại về quan niệm và vị trí mỗi tác giả chọn lựa trong lãnh vực sáng tác. Nội dung, vốn không nằm trong phạm vi bài viết này, xoay quanh những điều anh Nguyễn Mộng Giác đề cập, “viết từ tâm mình tự nhiên phát ra” và “viết để biểu diễn một cái gì đó,” những điều mà tôi cảm thấy có “vấn đề.” Tôi không nghĩ là mình đạt được kết quả nào đáng kể trong nỗ lực thuyết phục anh, nhưng ít nhất anh đã lắng nghe. Nếu bây giờ tôi tuyên bố là cuộc tranh luận… bất phân thắng bại thì chắc anh cũng không thèm lên tiếng cải chính làm gì!

Phùng Nguyễn – Nghiêu Đề – Nguyễn Mộng Giác (1997)

Phần kế tiếp của bức thư dành cho những trải nghiệm anh có trong hàng chục năm trời điều hành một tờ báo văn học hàng đầu ở Hải ngoại mà anh muốn truyền đạt. Trước đó tôi có thông báo với anh sẽ nhận lời chăm sóc tờ Hợp Lưu cho đến khi Khánh Trường hồi phục. Những mẫu tự ABCD… do tôi đưa vào phần trích dẫn để thay thế các tên tuổi thật được anh đề cập vì những lý do hiển nhiên.

Phần thứ hai liên quan tới chuyện làm báo văn chương. Hễ đứng ra chủ trương một tờ báo là có ảo tưởng mình quan trọng. Mình đánh thằng nào là thằng đó phải thân bại danh liệt. Mình lancer ai thì nó phải lên, nó phải biết ơn mình. Có thời cô B dạy người ta viết văn thế nào trên tờ C. Có lúc ông D cũng làm như thế trên tạp chi E. Người ta cần đăng bài nên im lặng, cốt ý tâng bốc lấy lòng chủ bút. Nhưng khi hết làm báo là hết. Đừng bao giờ nghĩ nhờ mình mà người này người nọ được thành danh…

Khi Phùng Nguyễn làm Hợp Lưu, hãy bỏ ngay từ đầu ý tưởng (nếu có) mình là người quan trọng. Người làm báo văn chương chỉ là bức tường để các họa sĩ treo tranh của họ lên thôi, tranh có giá hay không là do bức tranh, không do bức tường. Người làm báo khác với người viết văn nhiều điểm, trong đó có một điểm nhỏ: hết làm báo, tờ báo đóng cửa, người làm báo trở thành con số không. Người viết văn hết viết, nhưng tác phẩm của họ còn đó.

Tôi không có nhiều thì giờ để áp dụng lời khuyên của anh Nguyễn Mộng Giác trong thời gian trông coi tờ Hợp Lưu. Tôi rời khỏi chức vụ chủ bút của tạp chí này chỉ sau ba số báo, cõng theo một vài hệ lụy sẽ khiến tôi phải bận tâm sau này, đặc biệt khi thang giá trị của những điều mình hằng tin vào bất ngờ bị đảo lộn. Kinh nghiệm vô giá anh Nguyễn Mộng Giác truyền đạt cho tôi, tuy vậy, không hề bị hoang phí. Tạp chí văn chương mạng Da Màu ngay từ đầu đã sinh hoạt dựa trên cơ chế dân chủ mở trong đó sẽ không có bất cứ thành viên nào có toàn quyền sinh sát. Không có ngay cả một thái thượng hoàng nấp nánh đằng sau.

Ở phần cuối của thư là lời tâm sự đồng thời là giải thích về thái độ nghiêm túc anh dành cho văn chương nói chung và đặc biệt cho công việc sáng tác nói riêng:

Kinh nghiệm viết lách của tôi không giống với những người khác: gian nan hơn mức bình thường, khổ nhọc hơn mức bình thường. Bỏ bốn năm viết Sông Côn Mùa Lũ, bỏ 7 năm viết Mùa Biển Động, tự lo in chứ không ai in cho, sách ra tự chống đỡ những lời đàm tiếu thị phi, bạn bè không ai nói lấy một lời chống đỡ. Có thể vì không may mắn nên tôi cứ nghĩ tiền thật thì phải thế, phải qua trui rèn lắm phen mới thật. Còn cái gì dễ dàng là đồ giả. Tôi không công bằng với người khác, đòi hỏi người khác quá nhiều. Chờ đợi người khác quá nhiều. Trong đó có Phùng.

Một trong những quan tâm hàng đầu của anh Nguyễn Mông Giác là tương lai của văn học Hải Ngoại. Những cây bút trẻ hoặc/và mới được anh đặc biệt chú ý. Cũng trong chính lá thư riêng này, kỳ vọng của anh chuyển sang một ngòi bút vừa xuất hiện vài năm trước đó với những tiên đoán vô cùng lạc quan về tác giả này. Nhiều năm sau, sau khi tờ Văn Học được chuyển giao cho nhà văn Cao Xuân Huy, tôi không nhớ mình tìm thấy lại niềm lạc quan này trong những lần trò chuyện cùng anh. Có thể vì Internet đã khiến sự kế thừa của văn học Hải ngoại trở nên thứ yếu. Cũng có thể những kỳ vọng bất thành đã làm anh mệt mỏi.

Về phần mình, trong khi áy náy vì không đáp ứng được sự trông đợi của anh, tôi không nghĩ là mình có lỗi gì về chuyện không [có khả năng] ứng xử một cách nghiêm túc trong việc tiếp cận văn chương. Tôi không biết chắc nhiều điều, không chắc mình nên ứng xử như thế nào, hoặc tệ hơn nữa, thế nào là nghiêm túc hoặc không nghiêm túc với văn chương. Nhưng tôi biết chắc một điều, niềm kính trọng tôi dành cho anh Nguyễn Mộng Giác và mối giao tình chân thành, thẳng thắn, và đầy tin cậy giữa chúng tôi không hề thay đổi, trước và sau khi lá thư được anh gửi đi. Những truyện tình, trong thời gian sau này, tuy vậy, trở nên hiếm hoi, không phải vì tôi e ngại anh cho rằng chúng xuất hiện chỉ vì tôi đang tán tỉnh một ai đó, mà vì một điều tôi đã viết xuống trong “Đêm Oakland. Câu Hỏi” (Văn Học số 167 – tháng 3, 2000). Hoặc người ta thực sự sống với, hoặc người ta suy tưởng về một điều gì đó. Câu văn này nhằm phân tích những suy nghiệm về chiến-tranh-nhìn-từ-xa của nhân vật/cậu bé tên Đức. Tôi nghiệm ra nhận xét này của tôi cũng có thể áp dụng cho những khía cạnh khác của đời sống, tình yêu chẳng hạn.

*

Hôm cùng đi với chị Diệu Chi đến chùa Liên Hoa cúng tuần (thứ hai?) anh Nguyễn Mộng Giác, tôi có nói với chị là sự ra đi của một tên tuổi lớn như anh có thể là cơ hội cho người khác nói nhiều hơn về chính họ. Đọc lại những gì mình vừa viết xuống, tôi nhận ra quả đúng như thế. Nhưng có lẽ không nên chờ đợi ở tôi một lời xin lỗi. Tôi nghĩ rằng đây là một phản ứng tự nhiên, và hơn thế nữa, cần thiết.

Tôi, cũng như nhiều người khác, bên cạnh những điều chung, có những tao ngộ rất riêng tư với anh Nguyễn Mộng Giác. Những điều được viết xuống đến từ sự tương tác giữa anh và cá nhân mỗi chúng tôi. Những gì tôi muốn nhắc đến luôn có bóng dáng tôi và đồng thời có anh trong đó, đơn giản vì sự hiện hữu của chúng là sản phẩm ắt có và đáng ghi nhớ của mối quan hệ giữa anh và tôi. Điều này cũng đúng cho những người bạn văn khác của anh. Sự tương tác giữa anh và tôi, cùng với ngày tháng, giúp tạo dựng một hình ảnh đặc thù tôi có được về anh. Đây là một hình ảnh không toàn vẹn, bởi vì nó được tạo nên bởi góc nhìn của một cá nhân với những giới hạn nhất định (tôi cũng có thể nói như thế về cái hình ảnh anh có về tôi). Những người đã và sẽ viết về anh, những người yêu anh, những người ghét anh, những người anh yêu, những người anh ghét (nếu có), cũng có một hình ảnh như thế. Những mảng hình ảnh này, cộng với sự nghiệp văn học của anh, nếu hợp lại, sẽ làm rõ nét hơn con người toàn diện của anh, người chồng, người cha, người anh, người bạn, người thầy, và trên hết, nhà văn. Tôi cho rằng anh muốn được nhớ đến không phải như là những mảnh hình rời rạc, mà là một tổng thể toàn vẹn. Một tấm gương soi toàn vẹn!

*

Hôm viếng thăm anh ở nhà quàn, tôi được chị Diệu Chi cho phép chạm vào người anh. Tôi không nhớ rõ mình đã nghĩ gì khi đặt tay lên vầng trán lạnh toát của anh. Có thể tôi đã không nghĩ được gì nhiều bởi vì tôi đang lơ lửng giữa hai điều, buồn và tiếc.

Có thể là tôi thật sự có lỗi đã làm anh thất vọng!

tháng Tám, 2012
PN

Nguồn: http://damau.org/archives/26069

   Số lần đọc: 4999

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây