Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Ngựa Đá Sang Sông

Thôi, vậy là yên phận em. Thật ra trừ thuở em còn nhỏ, lúc mẹ giao chị việc cho em bú và tắm rửa, còn thì chưa lúc nào chị được ôm em trong lòng, trọn vẹn chiếm hữu em như bây giờ. Em đã chịu khó nằm yên nghe chị kể lể tâm sự, không như thời trước em vừa biết chạy nhảy và nói năng, mỗi lần chị sơ ý quệt vào em một tí là em khóc nhè, và đòi thầy me đánh đập trừng phạt chị mới chịu nín. Em biết không, những lúc ấy chị trốn ra sau vườn, một mình lấy tre gai đâm vào tay để tự đày đọa. Nhà chỉ có hai chị em, thầy me lại thường nuông chiều cậu con trai quí, nên chị cảm thấy thừa thãi bơ vơ. Chị vẫn ao ước được ôm vai em, vuốt tóc dỗ em nín khóc như những bà chị khác, đóng trọn vai trò kẻ trìu mến khoan hoà.

Nhưng em luôn luôn ở ngoài tầm tay chị. Chị tưởng là em ghét chị, khinh chị. Nhưng khi học bài cách trí bậc tiểu học, chị hiểu em hơn. Sách dạy:

“Gà trống thường ưa đánh nhau, còn gà mái hiền hơn gà trống, chịu khó đẻ trứng ấp con và chăn dắt chúng đến khi lớn”.

Ờ, em là con trai, tính khí giống như gà trống, ưa ra khỏi sự trìu mến quyến luyến của gia đình. Em ưa đánh giặc giả, ưa khiêu khích và tấn công. Nhiều hôm em bị đánh chảy máu mũi, chị lo sợ hớt hải, còn em thì lạnh lùng gạt bàn tay chị, lấy vạt áo quệt máu rồi chạy ra hò hét tiếp. Cử chỉ tàn nhẫn lạnh nhạt ấy làm chị mủi lòng. Chị không hiểu nổi em trong tuổi nhỏ, và cả trong thời gian em lớn lên. Không như bây giờ, em chịu khó nằm yên nghe chị kể lể tâm sự.

Càng lớn em càng trở nên khác thường. Điều đó làm cho chị ngẩn ngơ hãi hùng. Em muốn giấu chị hết mọi sự. Học ở trường em trốn đi chơi. Nhà trường gởi thư phiền trách về cho thầy me, chị bắt gặp giấu đi và đưa lại cho em. Em vùng vằng: “Có giỏi thì mách thầy me coi”.

Em đăng báo tìm bạn bốn phương, vô tình chị đọc được mảnh báo cắt đề tên em và địa chỉ nhà mình giấu trong sách vạn vật. Chị đọc cả nhà nghe trong bữa cơm, tưởng chỉ pha trò cho vui:
“Hùng, tên thằng con trai ở miền khô cằn sỏi đá, tuổi chớm vào đời, mang nhiều mặc cảm tình, tiền, địa vị, sống âm thầm trong lặng lẽ cô đơn, muốn trao đổi tâm sự qua những cánh thư xanh của các bạn trai gái khắp bốn vùng chiến thuật”.

Không ngờ tiếng cười to của thầy làm em giận chị suốt mấy tuần. Chị tìm cách làm hoà, em giả lơ. Chị cảm thấy cô độc hơn bao giờ. Thầy vốn trầm tư, giữ thái độ nghiêm khắc với con cái. Me thì suốt ngày lo việc buôn bán ngoài chợ. Chị thui thủi một mình trong căn nhà rộng và khu vườn xanh. Làm sao chị chịu nổi sự lạnh nhạt xa cách của em. Gian nhà mình rộng và tối. Tiếng tu hú sau bụi tre già trưa trưa não nùng ma quái. Tàu lá chuối lọc hết ánh sáng mặt trời, chiếu hắt nỗi xanh xao vào căn buồng hẹp, nơi trú ẩn chống đỡ cái buồn mênh mông chị gánh chịu suốt thời thơ ấu. Thành thử lúc gia cảnh nhà ta suy sụp, đồng lương thư ký của thầy ít ỏi vơi lần theo nhịp tăng của thuế má vật giá, và chỗ bày hàng ngoài chợ của me bị tranh mất, rồi dì Thanh giới thiệu cho chị làm trong sở Mỹ, chị đã xem đây là cơ hội độc nhất giải toả đời mình. Thầy vẫn im lặng như thường lệ. Chỉ thoáng thêm đôi nếp nhăn và tiếng thở dài. Thầy không nói gì về lời đề nghị của dì Thanh, nhưng chị biết thầy lo âu. Me thì mừng rỡ, xem chị như cứu tinh của gia đình. Me vồn vã ân cần với chị. Chị hơi tủi khi so thái độ của me với chị ngày nhà ta còn khá giả… Nhưng chị hiểu tâm trạng của me. Đàn ông như thầy và em ít chú ý đến chuyện bếp núc, cơm áo. Riêng me, me đau đến thắt ruột khi thấy miếng thịt trong tô canh chua ngày càng nhỏ, và nồi cơm ngày càng vơi để đứa con trai yêu dấu của me phải bực mình dằn bát khi chị bảo hết cả cơm rồi. Còn riêng em, nghe chị sắp làm sở Mỹ, em bĩu môi. Mưa gió bão bùng không làm chị sợ bằng thái độ ấy của em. Nhưng chị cũng sợ màu lá chuối xanh xao, tiếng tu hú và gian nhà u ám ẩm mốc. Chị đã đi làm.

***

Em đã dùng những chữ thô bạo nặng nề để kết án chị, khi chị bỏ nhà về sống với Tino. Em bảo chị là con đĩ mười phương không chịu chừa một phương lấy chồng. Em bảo chị có một tâm hồn bệnh hoạn sa đọa. Em bảo chị làm mất hết tiếng gia giáo. Em bảo chị không còn xứng đáng bước chân về ngôi nhà cũ, để được đứng dưới khóm trúc xanh nhìn những chuyến xe lửa rập rình qua cầu, được nghe tiếng chim tu hú và ngắm nắng xanh xao trước bực thềm. Chị đã tê tái khi nghe me khóc thầm, chị đã đau đớn khi thầy lặng thinh quay mặt khinh bỉ không nhìn chị. Nhưng có viễn ảnh nào đen tối cho bằng viễn ảnh đời đời không được bước chân về cái cổng vôi rêu phong ấy. Chị mất quê hương, mất hết, mất thầy, mất me, mất em. Chị thui thủi ôm bọc quần áo trước bụng để che bớt cái thai. Thầy và em không biết, nhưng me biết. Me khóc to hơn, tấm tức không dám nói vì sao, sợ thầy biết sẽ đánh đập chị. Làm sao đến nỗi nầy hở con? Nhà tôi mấy đời ăn ở phước đức, sao Trời nỡ đầy đọa hỡi Trời?

Vì sao? Vì sao? Me hỏi, rồi sau nầy em đích thân đến phòng Tino thuê cho chị, giận dữ sừng sộ trước vẻ ngơ ngác của Tino (Tino có hiểu em nói gì đâu, tưởng em là một thằng du đãng) em cũng hỏi chị câu ấy. Vì sao? Vì sao? Lúc đó, chị định giải bầy cho em hiểu, nhưng hàng xóm bu lại đông quá, chị thẹn nên van lạy em về cho. Mà dù chị có giải bầy, chưa chắc em đã tin.

Bây giờ em nằm yên rồi, vĩnh viễn không múa may sừng sộ, chị mới có thể nói hết. Chị cũng nhiều lần hỏi chị lắm. Vì sao? Chị mừng rỡ thoát khỏi nhà như con chim sổ lồng, tự nhủ từ đây không bao giờ quay trở lại với cõi tăm tối lạnh lẽo gia đình. Chị đã mơ ước như vậy lâu rồi, mơ được một hoàng tử hôm nào đó cầm chiếc hài hoa gõ cửa, như chuyện thần tiên mình từng say mê. Chị đã mơ ước gặp đâu đó, do định mệnh an bài, người chị say mê từ lúc thoạt nhìn, tóc bềnh bồng, mắt mơ màng, phương phi hào hoa.

Những giấc mộng lãng mạn cùng vơi với tháng năm, cuối cùng chị chỉ ước mơ một ngày nào đó có bà già mặc áo thâm vào thì thầm với me trịnh trọng với thầy xin hỏi chị cho cậu con trai cả. Me vẫn thường bảo chị có số làm dâu trưởng. Chị mong thoát ra khỏi cái trầm buồn, đều đặn, nhàm chán của nếp sống nghìn năm không thay đổi cung bậc. Cho nên ngay lúc đầu, chị hân hoan đi làm với dì Thanh, với cảm giác thoải mái của tên tử tù vượt ngục. Sở của chị là một thế giới hoàn toàn khác lạ. Phòng thấp nhưng sáng sủa, máy lạnh rì rầm suốt ngày, hàng lô máy chữ tí tách. Cử chỉ của nhân viên Mỹ nhã nhặn, khả ái, khác hẳn thái độ binh sĩ ngoài phố. Tino là trưởng phòng kế toán, nghiêm nghị và cần mẫn. Cả phòng đều sợ ông, ngay cả các nam nhân viên da trắng. Chị phát khóc khi ông quăng trả tập hồ sơ đánh máy sai lên bàn chị, báo trước đây là cơ hội chót chị thay đổi cách làm việc. Chị cảm thấy ngộp thở, chới với, khi nghĩ đến vẻ mặt mừng rỡ của me lúc chị đưa số lương hai mươi nghìn đồng cho bà tháng trước. Có thể, nếu chị tiếp tục lỡ lầm, thầy sẽ không còn nhâm nhi với củ kiệu mỗi chiều, còn em thì đâu được quyền hút Salem vung vít. Làm sao có tiền trả cho Bill để mua cái tủ lạnh vào Chủ nhật tới? Mấy hộp Rinso chịu giá với bà Hải, tiền ứng trước me đã lấy may quần cho em, làm sao giao hàng? Còn hộp xì gà cho chú Tư? Còn dự tính sửa lại từ đường của thầy? Nỗi khốn khổ thật khôn cùng. Đầu óc chị quay cuồng, nhất là từ lúc Bill đưa cho chị xem tập hồ sơ nhân viên. Ông Tino phê trong phần nhận xét trên phiếu của chị: “Nhiều lần cộng sai và đánh máy lầm lẫn. Thiếu khả năng kế toán. Đã cảnh cáo lần chót. Nhân viên vào loại không cần thiết”. Suốt buổi sau, chị không đánh máy nổi một trang hồ sơ. Khi trình lên Tino, ông lạnh nhạt đưa tay nhận, không thèm nhìn chị, lấy viết chì đỏ gạch mạnh đến rách cả giấy mấy lỗi chính tả sơ đẳng, rồi vất trả lại. Không còn cách nào cứu vãn nữa, chị ôm mặt khóc, bỏ sở chạy về nửa chừng… Em biết không, chị đã lang thang suốt cả buổi chiều trên tất cả những con đường phố, thất thểu bước không nói năng. Chị chờ giờ về, đến dì Thanh cầu cứu. Dì dặn đừng cho thầy me hay tin buồn, gắng vui vẻ về nhà, ôm theo mấy hộp bia và bột giặt dì cho mượn. Dì khuyên nên đến nhà ông Tino năn nỉ. Dì cho địa chỉ. Thấy chị e ngại, nhất là bây giờ trời đã tối, dì bảo không sao đâu, ông ấy nổi tiếng đạo mạo và đứng đắn. Không phải dân ba xạo và cà chớn.

Chị đã giấu nhà mối lo âu của chị, một mình đến tìm Tino.

Ngôi biệt thự ẩn sâu vào trong khu vườn rợp bóng mát. Lối đi trải sỏi và viền hoa. Ánh sáng phòng khách dịu nhẹ. Ông Tino ngồi trên chiếc ghế bành rộng, nước da đen chìm trong không khí mơ hồ huyền hoặc của bóng đêm và ánh đèn mờ. Chị lắp bắp vài câu, rồi khóc trước mặt ông. Ông không nói năng. Chị khẩn khoản xin lỗi. Ông đứng dậy khép kín cửa, cầm tay chị, dìu đến ngồi trên cái ghế bành sát tường, choàng tay qua vai chị. Chưa bao giờ chị nhìn ông ta gần như vậy. Trên khuôn mặt đen, mắt ông sáng khác thường, pha lẫn nào phẫn nộ nào cay đắng nào van lơn. Chị lạnh tê y như cảm giác lúc nghe tiếng saxophone da đen nghẹn ngào trong bản nhạc jazz, âm thanh của một nỗi si mê điên cuồng không thể giải toả và một nỗi nhẫn nhục trong cam chịu ê chề. Hơi thở ông dồn dập. Tim chị đập mạnh. Tiếng một chiếc lá sứ rơi bên kia bức màn mỏng. Tiếng cánh bay của một con chim đổi cành. Chị cố ngồi thu lại, thoát ra ngoài vòng tay ông Tino, nhắm mắt dằn xuống những xao động chợt hiện lần đầu. Xe lửa ồn ào chạy qua con đường sắt bên kia vườn. Cơn vũ bão phũ phàng cuồng nộ xô đẩy hết những cây cối nhà cửa xóm làng ăn sâu trong ký ức chị. Sự thô bạo của Tino thôi miên chị, quăng chị vào một cõi hãi hùng, tê điếng, khiến sau cuộc chị vẫn nằm khoả thân trên thảm, mắt thao láo nhìn như một kẻ đã chết. Chị đang ở đâu đây? Có gì vừa xảy ra? Sự tê dại càng sâu, rồi biến thành nỗi xót xa tràn đầy. Tuy không khóc, nước mắt chị ràn rụa. Tino quì xuống nền nhà, mắt thương xót lo âu. Tino lấy tay chùi nước mắt chị, bàn tay to lớn xù xì mơn man gạt nhẹ từng giọt từng giọt ứa trào. Tino gục đầu trên ngực trần của chị, ông khóc không thành tiếng, rồi nói như đang mơ:

“Chúa ôi, con đã làm gì? Con đã làm gì? Tại sao con trút hết nỗi phẫn nộ căm thù cuộc đời cho nàng? Đứa con gái nhỏ yếu đuối, sợ hãi. Mắt nàng lấm lét e ngại. Tay nàng vụng về run sợ khi đưa hồ sơ đến bàn con. Nàng không dám tránh xa khi con đến gần, không dám le lưỡi với bạn bè khi con dọa. Con vội vơ lấy dịp may hiếm có. Nàng đã đến đây van xin như con dự đoán, nhưng, lạy Chúa, con đâu có ngờ nàng còn trinh tiết. Nàng chỉ là một đứa trẻ lạc loài cay đắng như con. Con đã làm gì? Con phạm tội gì?”

Tino nói như mê sảng, chồm xuống hôn bàn chân chị. Đột nhiên chị đạp mạnh vào đầu ông, choàng ngồi dậy trong góc phòng trong thế tự vệ. Chị nói, giọng thất thanh:

“Ông là con thú dữ. Ông là ác quỉ hiện hình. Tôi ghét ông. Tôi tởm ông”.

Chị muốn lợm giọng khi nghĩ mình vừa kề cận với thân hình cục nịch đen đúa kia. Chị cảm thấy bẩn thỉu nhầy nhụa. Đầu Tino va mạnh vào góc bàn. Ông ôm lấy đầu, lặng yên, hai tay ép sát vào thái dương. Bỗng Tino đưa bàn tay vàng bệch trước ánh đèn. Máu loang lổ đây đó. Chị sợ hãi suýt rú lên. Tino vẫn ngồi xa, vội vàng trấn an:

“Không sao đâu em, chỉ bị nhẹ thôi. Máu chảy một ít rồi sẽ hết. Em bé thấy không, máu tôi đâu có đen. Nó đỏ như mọi người. Và trái tim tôi cũng vậy, mềm mại mảnh khảnh như mọi người. Làm sao tôi chịu đựng được sự thù ghét nầy. Hãy nói đi, em bé nhỏ, hãy nói đi. Hãy nói là tôi đáng thương hơn đáng ghét. Hãy nói là em hết thù hận”.

Chị không chịu đựng nổi nữa, chị oà lên khóc. Tino lết đến gần chị tự lúc nào, máu rỉ rỉ chảy xuống má, xuống cằm. Ông nắm tay chị, đặt lên đầu ông, van xin:

“Hãy nói đi, em bé nhỏ, hãy phát một cử chỉ chứng tỏ em tha thứ, tha thứ hết”.

Chị se sẽ vuốt mái tóc Tino, cảm thấy máu ấm rịn qua kẽ tay. Chị vuốt nhẹ xuống đôi má đen của ông. Tino cảm động gục mặt xuống hai đầu gối chị. Hai bàn tay chị đưa nhẹ trên áo ông. Áo đỏ nhoè. Chị gục đầu lên gối ông, và khóc thoả thuê. Chị gọi se sẽ: Tino, Tino…

Một niềm say ngây giống hệt trạng thái người đứng bên bờ vực xâm chiếm chị. Hân hoan và lo âu. Trong thân thể to lớn cục nịch nầy, có cái buồn xanh xao của ánh sáng lọc qua tàu lá chuối, âm thanh huyền bí của tiếng tu hú não nùng, mùi ngai ngái ẩm mốc bao năm dồn về một tối đứng gió. Chị sợ những gì sắp xảy ra, ngày mai.

Tino đã kéo chị vào cuộc phiêu lưu của những kẻ cô độc, đi đâu cũng gặp những đố kỵ, khinh bỉ. Chị chỉ có thể giấu mọi người ba tháng đầu, nhân viên trong sở tưởng chị được khoan hồng nên tiếp tục làm việc. Chị tránh đứng riêng với Tino, nhất định không gặp ông lần nào nữa sau đêm bão tố. Tino kín đáo, không tỏ thái độ đặc biệt nào. Ông vẫn giữ nét mặt cũ, lạnh nhạt xa cách. Chị tưởng những gì xảy ra, chỉ là một biến động nhất thời của cả hai người, những cuộc đi hoang trốn tránh kiếp sống nhàm chán vô vị thường ngày. Nhưng lúc chị thấy trong người có triệu chứng lạ, và bác sĩ xác nhận chị đã có mang, bão tố thực sự mới đến. Phản ứng đầu tiên của Tino là sự vui mừng hớn hở. Nhưng khi nhận ra vẻ mặt ủ rũ của chị, ông tự kềm chế, vồn vã hỏi han. Chị chưa tìm thấy đôi mắt nào đẹp như đôi mắt Tino bấy giờ: có chút gió đông của đông muộn và chút nắng mới của mùa xuân. Chị không biết phải làm gì, bảo để về hỏi ý kiến me. Me sụt sùi khóc, không dám khóc to, tỉ tê kể lể những tai tiếng về sau cho gia phong, đòi đưa chị đi phá thai. Chị thấy lạnh cả người. Không có cách nào khỏi phạm tội lỗi khác hơn là bỏ nhà sống với Tino. Chị chưa từng nghĩ tới chuyện giết một con kiến nhỏ. Em nhớ không, lúc bé mỗi lần chụp được chú muỗi trong mùng, em hả hê lần lượt rứt cánh rứt chân, còn chị thì đọc kinh tiếp dẫn. Thà cuộc đời chị coi như bỏ, chị không thể vâng theo lời me. Hôm chị bước khỏi cái cổng vôi ôm bọc quần áo lên phố với Tino, là hôm chị bị sa thải ra khỏi xã hội người Việt. Cuộc ra đi của chị, chị biết, liên luỵ cả gia đình. Me không dám ra khỏi nhà, trừ những lúc quá túng thiếu ban đêm lén lút trốn thầy lên chị xin ít tiền chi tiêu. Thầy say sưa suốt ngày. Nhưng tuổi già quen vác nặng. Chỉ tội nghiệp có thân em. Bị chúng bạn xầm xì chế giễu, bảo em có con chị lấy Mỹ đen, chịu không nổi em đâm liều. Tuy không có ở nhà, nhưng chị biết hết. Hôm nào chiều về em cũng có vài vết thương. Em bỏ học, đăng lính biệt kích. Thầy chỉ biết trầm ngâm, me lại một lần thờ dài.

Cậu quí tử của thầy me, hũ mắm treo đầu giàn của thầy me, cục cưng của thầy me ra đi, càng làm tuổi già thêm hiu hắt vàng vọt. Chị cảm động biết bao, khi thấy em lảng vảng suốt buổi chiều trước nhà chị thuê. Chị biết em ngần ngừ, nhưng không dám ra gọi em vào, sợ xấu lây cho em. Cuối cùng lúc trời tối, em mới lẻn vào. Em chị khóc, bảo thương chị và suốt buổi không thốt một lời trách móc. Em biết đâu là sau đó me cũng lẻn lên, lấy một ít thuốc Tây, bọc kim chỉ và xin chị vài nghìn cho em. Chị không dám hỏi tin tức thầy, nhưng me đoán được ý chị, bảo thầy đang say và mê sảng:

“Thầy mầy lúc sau đổ đốn, suốt ngày lảm nhảm. Ông nói chuyện không đầu đuôi, me có hiểu gì đâu. Me bảo thầy già, lẫn rồi. Thấy quát tháo bảo mọi người điên hết. Chiều hôm qua khi nghe me bảo thằng Hùng nó đăng biệt kích Mỹ, thầy im lặng không nói gì. Thầy bảo me ngồi xuống trường kỷ kể chuyện chiêm bao: đêm trước có ông nội hiện về, bảo thầy theo nội có việc gấp. Hai cha con nắm tay nhau, chỉ nghe gió thổi, chẳng mấy chốc đã đến bờ sông. Nội dẫn thầy đến bên con ngựa đá, bảo lên yên và ra roi. Lạ quá, ngựa bỗng hí vang, rồi lội xuống dòng nước sâu, sang đến bờ bên kia. Một thần nhân áo xanh chờ sẵn, cầm tờ giấy điều đọc to:

Ngựa đá đã sang sông.
Lụt máu ngập đầy đồng.
Gạch tan và ngói rữa.
Xương kết bè trôi sông.

Đọc xong bỗng nước sông biến thành huyết, đầu lâu ngụp lặn sau lưng thầy. Vài cánh tay xương rút đuôi ngựa. Ngựa quị hý vang. Thầy chạy trốn bên thần nhân, ông nầy lại hoá ra bộ xương khô cầm đao. Thầy sợ quá hét lên, tỉnh dậy mồ hôi ướt đầm. Thầy bảo con ngựa đá là Núi Ngựa. Dòng sông là Trà Khúc. Nước Trà Khúc dâng ngập chân Núi Ngựa thì thiên hạ chết hằng hà sa số. Không biết gia đình họ hàng mình có việc gì không? Me nghe thầy nói lạnh mình, vì tuần trước o Phấn ra chơi bảo trong mình lụt lội, nước sông tràn đến chân núi”.

Me nói xong nhìn chị. Chị nhìn me. Hai mẹ con cùng lo âu. Me khuyên chị bòn rút tiền của Tino cho thầy sửa lại từ đường, còn để dành lúc sinh nở. Chị vâng vâng dạ dạ, me đâu có biết đưa mấy nghìn cho me để me đưa cho em làm lộ phí, chị chỉ còn vài trăm trong túi. Sáng nào, khi Tino vừa ra khỏi nhà, là có vài thanh niên mặt mày côn đồ vào gõ cửa truyền lệnh: Me Mẽo, đưa tiền tiêu chơi. Ê, Me Mẽo, đem ít hộp bia uống. Me Mẽo, Me Mẽo. Hai tiếng đó làm chị hao mòn, ngậm đắng nuốt cay. Chị biết trốn đâu đây, để khỏi thấy những đôi mắt láu lỉnh đưa dấu trong khi những đôi môi thì thầm khúc khích. Chị trốn hết, trốn hết, nấp trong vòng tay Tino và khóc thoả thuê. Chàng vuốt tóc chị, kề môi xoá hết nước mắt trên trán chị, tỉ tê kể những nỗi đớn đau suốt cuộc đời chàng để chị thấy những rủi ro cam chịu của chị không phải họa hoằn. Chàng hát, giọng khao và nghẹn, những điệu blues buồn ru chị quên hết những ám ảnh chập chờn. Chị ngủ trong lòng chàng, và khi chợt thức vẫn thấy chàng say đắm nhìn chị. Trời, chị tha thiết yêu Tino, chị say đắm chàng. Bây giờ, em nằm yên rồi, vĩnh viễn không nói năng, múa máy, sừng sộ, chị mới dám nói thằng câu ấy. Nói thật to cho em nghe, dù em có cười. Tội nghiệp, đừng cười nữa. Em hãy nghĩ đến gánh nặng của sự khinh bỉ nhân gian đè lên vai chị, để thấy thấm thía tình chị với chàng: Suốt một tuần trong nhà hộ sinh, chị lấy khăn phủ mặt khi bế bồng cháu, vờ không nghe những lời xầm xì. Mỗi lần cháu lên ban đi tướt cần đến bác sĩ, chị phải che hết tay chân mặt mũi cháu, đứt ruột khi cháu ngộp thở ngọ nguậy mà không dám giở chăn giữa chỗ đông người. Những đêm khuya vắng, chờ cháu ngủ, chị mới dám ra khỏi nhà đi dạo cùng chàng, nép sát vào đôi tay bao dung của chàng.

Em tưởng tượng nỗi bơ vơ của chị, khi chàng được lệnh trở về Mỹ. Chàng xin cưới chị, van nài chị đi theo. Làm sao chị bỏ được nơi chôn nhau cắt rốn. Chị không còn được quyền đứng dưới khóm trúc xanh nhìn những chuyến xe lửa rập rình qua cầu, nhưng ý nghĩ nó vẫn còn đâu đó gần gũi đủ làm chị yên tâm. Chị còn có thầy có me, chị còn phải chờ em. Tino gửi tiền ở ngân hàng cho chị đủ sống chờ chàng xin trở lại, nhưng vẫn lo bọn du đãng ức hiếp chị. Chính chàng đề nghị chị đánh bạo về xin thầy me cho được trở về nhà. Lần đầu thầy ngồi yên nhìn chị, rồi quay đi, không thốt một câu. Lần thứ nhì thầy bảo: Thầy thương con, tuy chính vì con mà thằng Hùng bỏ nhà ra đi. Nhưng muốn về, phải cho thằng nhỏ vào cô nhi viện. Chị khóc, xuống năn nỉ me. Thầy bỏ đi ra vườn. Lần thứ ba chị xin thầy thương chị, đừng nỡ cắt tình máu mủ. Thằng cháu da ngăm đen, tóc xoắn, nhưng khuôn mặt giống chị hơn giống chàng. Nó u ơ trong giấc ngủ, miệng cười vô tư. Đó là hình ảnh chàng trong một khu phố tồi tàn nào đó của miền Nam, thời còn chưa biết nỗi nhục nhằn đắng cay vì màu da. Làm sao chị bỏ nó được. Tino đi rồi, chị chỉ còn có nó. Nên khi thầy nhứt định giữ ý cũ, chị đành xa thầy me nuôi con. Từ ấy chị không được gặp lại thầy. Còn me thì lên thăm chị luôn. Nhà mình sa sút cay cực đến độ não lòng. Ban đầu vì giữ ý, me nhờ chị vay hộ khi năm nghìn, khi ba nghìn. Sau đó me thú thực, và nhờ chị giúp đỡ. Em có biết đâu trong mấy tờ giấy bạc gửi cho em qua tay bạn bè có giọt nước mắt của mẹ già và của người chị khốn khổ. Rồi có tin loan truyền trong giới biệt kích về phép thuật siêu quần của em. Họ bảo em mình đồng da sắt, đạn bắn không thủng nhờ cái dây chuyền xâu bằng tai người phơi khô làm bùa hộ mệnh. Mỗi lần nghe những chuyện hoang đường ấy, me lâm râm Mô Phật. Còn chị thì tê tái cả lòng. Tất cả đều do chị. Em ra đi vì chị. Gia đình tan nát vì chị. Trời, em tôi đây sao? Đứa em bất chấp lòng tự ái và dư luận lẻn đến khóc trong vòng tay chị, trước khi nhập vào thế giới bạo tàn chém giết? Gà trống thường hay đá nhau, nhưng gà trống đâu có say mê đá nhau. Thằng con trai ở miền khô cằn sỏi đá, sống âm thầm trong lặng lẽ cô đơn đó ư? Me bảo chị viết thư hỏi hư thực ra sao, nếu thiên hạ đồn đúng thì me phải thí phát vào chùa. Thư chưa kịp gởi, nhà đã hay tin em đào ngũ, bỏ lính về sửa trị ba thằng du đãng ngày ngày hiếp đáp chị. Sao em biết chuyện? Ai mách cho em? Ai viết thư cho em? Chị vẫn cam lòng nhẫn nhục, vì xem họ như thiên sứ nhà trời xuống trần để trừng phạt chị. Em vẫn không bỏ tính cũ, thân lừa ưa vác nặng. Về quê chưa kịp thăm thầy me và chị, em đã tìm đến nhà bọn du đãng đòi thanh toán. Một thằng báo động hai, hai báo cho bốn, và một mình em làm sao đương nổi mười đứa. Em ỷ có súng bắn quị hai thằng, nhưng em đâu thấy ngọn dao của thằng thứ ba. Xác em nằm sóng soài, máu lênh láng trong ngõ hẹp. Đôi mắt chưa kịp khép. Chị hôn lên mặt em, da diết đớn đau. Em chết trong ngỡ ngàng, chưa hiểu rõ mình đang làm gì. Em của chị đây sao? Con của me đây sao? Chị và me phủ phục trên xác em, còn thầy thì cầm con dao đẫm máu hò hét múa may. Mọi người sợ chạy dạt cả ra, trốn hết vào nhà. Thấy phát điên, i uông ca hát:
Tình tang… ứ hự… ứ hự ngựa đã sang sông. Nhong nhong là nhong nhong ngựa ông lại về… Lại về ngựa đá sang sông…

Thôi, vậy là yên phận em! Thầy đã vào nhà thương. Me heo hắt trong khu vườn xanh, đang chờ chị về. Vĩnh viễn, vĩnh viễn xa em rồi. Con đường nhựa uốn cong theo con sông đào không còn dẫn em về chiếc cổng vôi rêu phong, chiếc cổng không dẫn em vào vùng xanh xao của lá non, múi ẩm mốc nghìn năm tích tụ, tiếng chim tu hú trong bụi tre già ma quái… Thầy hết ngồi trầm ngâm, thầy chỉ lo hát ngựa đá sang sông í a ngựa đã sang sông. Hàng xóm bảo nhà mình bị quỉ ám. Chị không tin, vì nếu xét cặn kẽ nguyên nhân, tất cả sự đổ vỡ đều do ở chị, do ở chàng. Chàng lập mưu kế để chiếm cho được chị, nhưng em tha lỗi cho chàng. Tino ở trong một trạng thái tuyệt vọng đến độ sự hiện diện của chị là tấm ván cứu rỗi cho một cuộc đời vốn bập bềnh phù du. Bão tố đến cho chị, cho cả nhà mình, nhưng ai bảo cuồng phong không phải là bạo lực tích tụ từ những cơn gió heo may trở mùa, những làn phảng phất trưa hè vắng lặng. Bão tố từ trong em, trong chị, trong con ngựa đá chỉ có do sự tưởng tượng thi vị của dân làng ven sông.
Mừng em về nơi an bình, tuy chị xót xa hết sức khi mãi mãi xa em, nhìn me héo gầy và nghe thầy hát cuồng.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 25

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây