Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sang Sông

Xin thú thật tôi là một người đọc sách Phật một cách rất tài tử. Trong  nhà kinh sách Phật khá nhiều, nhưng ít khi tôi chăm chú đọc trọn cuốn nào. Vì thế mỗi lần viết bài cho các tạp chí Phật giáo, tôi vẫn có cái áy náy mình là người “ngoại đạo”, kinh sách lơ mơ, viết không đúng chỉ làm trò cười cho những người rành Phật pháp.

Cũng do cái tật lười biếng tai hại đó mà khi cần một số dẫn chứng trong các bài viết hoặc muốn lồng một tư tưởng Phật giáo vào các truyện ngắn truyện dài, tôi phải ngồi thật lâu cố nhớ lại những công án hoặc thơ văn Phật giáo. Và mỗi lần như vậy, tôi lại thấy có những công án hiện ngay trong trí nhớ mỗi ngày mỗi kém của tôi. 

Công án thứ nhất là chuyện Đức Phật lấy ngón tay trỏ lên mặt trăng, và dặn dò các môn đệ là nên chú ý tới mặt trăng, đừng quan tâm nhiều đến ngón tay trỏ lên hướng mặt trăng.

Công án thứ hai kể chuyện hai người dùng thuyền qua sông, người thứ nhất qua đến bờ bên kia bỏ thuyền lại và tiếp tục đi, người thứ hai đã lên bờ rồi còn tiếp tục vác thuyền lên vai, nặng nhọc lê bước cố theo cho kịp người đi trước mà không thể nào theo kịp.

Công án thứ ba kể chuyện một người ăn xin đến nhà một phú hộ bủn xỉn, đứng chờ mãi trước cửa khất thực mà người phú hộ đang ăn cháo vẫn làm ngơ. Cô dâu thấy bất nhẫn lén đem thức ăn cho người ăn xin, nói rằng cha chồng mình đang ăn cơm thiu nên không tiện bố thí. Phú ông nghe được, tức giận đuổi cô dâu hỗn láo ra khỏi nhà.

Không hiểu vì sao những công án đó cứ ở mãi trong trí nhớ của tôi. Chắc chắn trong cuộc đời hơn năm mươi năm qua, tôi đã có nhiều lúc thao thức về những vấn đề liên quan tới ba công án đó, nên hễ đọc là nhớ, như người đang bơ vơ giữa ngả ba đường tìm ra được tấm bản đồ chỉ rõ hướng phải đi.

Có lẽ như thế thật! Tôi lớn lên trong chiến tranh, tận mắt chứng kiến nhiều thay đổi, thăng trầm. Mỗi lần lịch sử sang trang là mỗi lần có một lá cờ mới và những người phất cờ lại đưa ra một chiêu bài nào đó làm căn bản lý thuyết cho sức mạnh trần thế vừa chiếm được. Sứ mệnh khai hóa thời Pháp thuộc. Tinh thần Đại Đông Á thời Nhật thuộc. Ngọn cờ giải phóng dân tộc bị áp bức thời kháng Pháp. Rồi chống Mỹ cứu nước và tiền đồn bảo vệ Tự do. Tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Nghĩa vụ quốc tế…Cờ cứ phất liên hồi trên đầu mấy mươi triệu dân Việt, mỗi lần thay cờ dân đen lại gắng điều chỉnh cho kịp cách suy nghĩ, cách ăn nói, cách đi đứng, cách ăn mặc, sơ sẩy một chút là tai bay vạ gió đổ ập lên đời mình. Nhu cầu thích nghi với nhiều hoàn cảnh biến đổi, lâu ngày trở thành một bản năng sinh tồn, tệ hơn nữa, trở thành bản sắc của dân tộc. Thói xấu mà luân lý thông thường cho là tính tráo trở đáng ghét trở thành sự khôn ngoan đáng phục. Và người ta chế ra một nguyên tắc triết lý cho sự tráo trở ấy: “mục đích biện minh cho phương tiện”.

Qua sông là mục đích. Thuyền là phương tiện. Muốn qua sông mà phải rút gươm chém chết người chủ thuyền để cướp thuyền qua sông thì qua sông làm gì? Câu trả lời có sẵn trong óc mọi người, vì kẻ đã dám giết người cướp của thì có gắng qua sông cũng chỉ vì muốn cướp một thứ gì lớn hơn, quí hơn chiếc thuyền và mạng sống của đồng loại. Kinh Phật không muốn đề cập tới hạng người này, dù mẫu người đó nhan nhản trong giới ham mê quyền lực.

Kinh Phật chỉ muốn nhắc nhở tới trường hợp những người muốn qua sông với một thiện chí tốt lành, nghĩa là việc dùng thuyền qua sông rất tự nhiên, hợp pháp, không xâm phạm đến tài sản hay quyền lợi của bất cứ ai. Có thể người qua sông bỏ tiền ra mua thuyền. Có thể anh ta tự tay chặt cây rừng làm lấy thuyền, đổ mồ hôi, trổ tài khéo làm ra một chiếc thuyền nhẹ, gọn, chắc chắn, đẹp đẽ nữa, để làm phương tiện qua sông. Anh ta sống một đời sống có ý nghĩa khi bắt tay đẵn cây, cưa ván, bào gỗ, đóng thuyền. Khi đưa mái chèo vượt sóng băng qua bờ bên kia, anh thấy rất rõ đâu là hướng phải đưa mũi thuyền tới. Thuyền cập vào bến, chòng chành một chút. Lòng anh chàng muốn qua sông cũng chòng chành theo. Anh nhìn lại chiếc thuyền, cảm thấy tiếc công phu đẽo gọt từ thân cây ra cái phương tiện hoàn hảo đáng yêu này. Lòng anh chao đảo hơn. Anh bước lên bờ như người say, không còn nhớ mình qua sông để làm gì. Và khi anh cúi xuống rán sức vác chiếc thuyền lên vai, anh không còn biết gì khác ngoài chiếc thuyền đẹp đẽ của anh. Phương tiện đã trở thành mục đích. Cuộc đời anh khổ từ đây…

Lịch sử chứng minh là những người vác thuyền khi đã qua sông như thế không những chỉ làm khổ mình, mà còn làm khổ nhiều người khác.  Cái xác tín cho rằng chỉ có mục tiêu của mình là duy nhất đúng dễ đưa anh tới chỗ cho rằng để đạt mục tiêu đẹp đẽ ấy, anh có thể dùng bất cứ phương tiện nào. Vì lý tưởng công bằng, người ta cướp của nhà giàu để chia cho người nghèo, nghĩ mình là hiệp sĩ chứ không phải là đạo tặc. Làm hiệp sĩ vài lần, anh ta đâm mê những lời cảm ơn và khoái trá trước những lời năn nỉ sợ hãi. Chất hiệp sĩ giảm dần theo chiều ngược với chất đạo tặc hung bạo, và tráng sĩ hành hiệp trở thành tên cướp say máu lúc nào không hay. Trong trường hợp đó, anh ta không thèm nhọc công vác thuyền như công án trong kinh Phật.  Anh ta mau chóng tìm ra một giải pháp tối hảo: anh ta ngự trên chiếc thuyền, và bắt những người khác khiêng cả chiếc thuyền lẫn anh ta đi, cờ phướng rợp trời phía trước, thanh la kèn trống inh ỏi phía sau.

Hà Sĩ Phu, một trí thức chân chính hiện nay ở quốc nội, có lẽ đã đọc công án qua sông nên nhận định rất chính xác về những người cộng sản Việt Nam. Ông viết như sau trong bài “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ”:

Sau cùng, nhìn bao quát toàn sơ đồ (chính trị ở VN) để thấy một điểm mấu chốt là dùng phương tiện không thích đáng thì không tới được mục đích. …Ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì cứu nước mưu hạnh phúc cho dân là chủ nghĩa Mác-Lênin được bác coi là con đường, là phương tiện giúp dân ta đi đến đích đó.  Nhưng rồi dần dần lại xuất hiện tín ngưỡng “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”. Lạ như vậy đấy, chủ nghĩa với tư cách là con đường, là phương tiện thì nó là cái để ta dùng chứ sao lại để ta thờ? Động cơ ấy lúc đầu hẳn là do ta thành tâm và ấu trĩ quá đấy thôi. Nhưng dù do gì đi nữa thì hậu quả nguy hiểm vẫn là ở chỗ: khi cái phương tiện đã thành cái mục đích thì lẽ dĩ nhiên cái mục đích (ở đây là dân tộc) đổi chỗ để thành cái phương tiện (!).  Như trong câu chuyện khôi hài ngày trước, khi đôi giày đã được đánh bóng và kẹp bên nách thì đôi bàn chân phải thay đôi giày mà đương đầu với gai góc. Lúc vấp ngã, chân toé máu ra, ai cũng tưởng phen này anh ta phải tỉnh ngộ, bỏ giày xuống mà đi vào chân. Nào ngờ đây chính là dịp để anh ta tự hào về sự thông minh của mình, rằng nếu không có cú vấp ngã vừa rồi hẳn đã làm sứt mất đôi giày quí…
(Hà Sĩ Phu Tuyển Tập, trang 38,39)

Cái ngụy tín “mục đích biện minh cho phương tiện” đã giúp cho những người cộng sản trên thế giới tự cho phép mình sử dụng những phương cách tàn độc nhất để xách động và tổ chức hữu hiệu đám đông thành một sức mạnh lật đổ trật tự cũ, sau đó khống chế con người để duy trì quyền lực. Trong lịch sử nhân loại, chưa có thời đại nào có những kỹ thuật chính trị tinh vi, hữu hiệu và tàn độc như thế, sự tàn độc được biện minh bằng triết lý. Sự hấp dẫn của phương tiện chính trị cộng sản nằm ở chỗ nó vận dụng tập trung được tất cả mọi lực lượng để đặt vào tay người làm chính trị, nhờ thế nó hết sức hữu hiệu. Nó hấp dẫn mê hoặc cả những người chống lại chủ nghĩa cộng sản. Và một hiện tượng chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi, ở những nước bị cộng sản đe dọa, ở những người từng là nạn nhân của cộng sản, là khuynh hướng chống cộng bằng chính những phương cách cộng sản đã dùng. Phải dĩ độc trị độc. Để chống dối trá, ta cũng phải dối trá. Để chống tàn độc, ta cũng phải tàn độc. Đi với ma phải mặc áo giấy. Có lẽ Kim Dung đã từng chứng kiến những hiện tượng tương tự sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản, nên chủ đề chính bàng bạc khắp những cuốn tiểu thuyết võ hiệp sâu sắc của ông là vấn đề chính tà, mục đích và phương tiện. Những nhân vật tiểu thuyết như Nhạc Bất Quần trong “Tiếu ngạo Giang hồ” là mẫu điển hình của những người chủ trương “tịch tà” bằng chính phương cách của bàng môn tả đạo.

Trong những môi trường thu hẹp hơn, chúng ta thấy rất nhiều kẻ qua sông còn vác thuyền vì phương tiện đã trở thành mục đích. Một ngòi viết muốn vinh danh Tự do Nhân quyền nhưng không nương tay với những người dám cả gan tự do suy nghĩ khác mình. Một nhà tu mải lo lắng tính toán để làm khang trang nơi thờ tự biến thành nhà kinh doanh lúc nào không hay.  Một người điều chỉnh máy khuếch âm để tiếng nói mình vang xa, cuối cùng có ảo tưởng chính tiếng nói của mình vang dội chứ không phải nhờ có máy khuếch âm.

Nhưng tại sao những ảo tưởng, những ngụy tín kiểu “vác thuyền” như thế vẫn tiếp tục hấp dẫn nhiều người? Tại sao vẫn có nhiều kẻ thành công trong việc dùng bất cứ phương tiện nào để đạt mục đích, nhất là trong chính trường? Tại sao chỉ cần giương lên một lá cờ nào đó là người ta tự cho mình cái quyền sử dụng bất cứ mánh khoé nào, ngôn ngữ nào để tranh thắng?

Tôi đã từng tự hỏi như thế nhiều lần. Và lần nào tôi cũng mỉm cười tự an ủi : “Họ đang ăn cơm thiu đấy mà!”.

Nguyễn Mộng Giác

Lời chú của BQT: Cám ơn bạn Hanh Dao đã gởi bài này về. Bài đăng trên Văn Học nhưng không rõ số nào, bạn nào biết xin chỉ dùm. Cám ơn.

   Số lần đọc: 5148

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây