Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 22

Cuộc họp dự định bắt đầu vào giờ thìn. Để mặc cho Chỉ lăng xăng bày biện phòng họp thế nào cho trang trọng uy nghi, Nhạc kéo Nhật về phòng mình để nói chuyện. Không muốn mất thì giờ dài dòng, Nhạc hỏi:

– Tình hình chung thế nào?

Dù đã chuẩn bị kỹ khi được Nhạc gọi, Nhật vẫn lúng túng chưa biết phải nói cái nào trước cái nào sau. Ông trả lời một cách mơ hồ:

– Nói chung không có gì ghê gớm. Dưới phủ vẫn thế.

Giọng Nhạc hơi gắt:

– Vẫn thế là thế nào?

Nhật hắng giọng, cố nói chậm để dần dần lại bình tĩnh:

– Nguyễn Khắc Tuyên gọi bọn đóng ở cầu Phụng Ngọc về mắng cho một trận, có đứa bị giam lại chờ xét xử vì tội hèn nhát. Hắn hỏi tại sao cần bao nhiêu quân cũng giữ đủ, cần bao nhiêu khí giới, xe ngựa, không thiếu món gì hết, mà suốt một tháng trời không nên cơm cháo gì. Phần lớn đều cúi đầu không dám cãi. Có đứa bạo gan, bảo tụi lính phủ như gà phải cáo, mới nghe sắp đánh lên An Thái đã lén bỏ trốn, thì làm sao tiến qua cầu được. Tuyên nó nổi giận, sai đằng cổ tên bạo mồm quất cho đúng một trăm hèo. Hắn cử bọn khác lên thay, nhưng bọn này vừa mới biết tin sắp lên Phụng Ngọc đã cho vợ con đến lo lót mụ Tuyên. Cuối cùng chỉ có lèo tèo vài ba thằng yếu thế, thiếu tiền. Chúng án binh bất động không dám tiến lên An Thái là vì vậy.

– Chúng nó biết tình hình bên ta không?

– Tay trong của ta gài dưới phủ không biết rõ điều này. Nhưng ta có thể tin được một nguồn khác.

– Nguồn nào thế?

Nhật hãnh diện đáp:

– Nguồn các tù binh. Tôi phụ trách bọn lính phủ đầu hàng và bọn con buôn bị tình nghi. Ở trại giam, chúng khai rõ tất cả những gì chúng biết. Chúng thú thật là chúng sợ hãi. Ngoài phố phủ, vào các buổi họp chợ, thiên hạ lao xao bàn tán về chúng ta. Tức cười là họ thổi phồng lên, biến chúng ta thành những kiếm khách, hiệp sĩ thần thông biến hóa, xuất quỉ nhập thần. Về quân số, chúng tin là ta có hàng vạn quân. Dữ nhất là các toán quân Bana và Tàu ô. Họ còn kháo nhau sở dĩ ta chỉ để một toán nhỏ ở An Thái mà quân phủ không dám tiến lên vì đây là một cái bẫy giăng sẵn. Toán quân anh Huệ chỉ là cái mồi nhử, cốt “điệu hổ ly sơn”.

Nhạc cười ha hả, trong cơn khoái trá quên cả phép tắc, ông vỗ đét vào vế Nhật nhiều lần. Nhật e dè cười góp, về sau thấy Nhạc thoải mái, Nhật quên dè dặt cũng cười to như trại chủ. Nhạc vỗ vai Nhật hỏi:

– Này, ông có nắm được số phận hiện canh giữ phủ Qui Nhơn không?

Nhật lo lắng, bối rối đáp:

– Cái đó…cái đó thì tôi chưa nắm được chắc. Nhưng đại khái thì…

Nhạc cắt lời Nhật:

– Đại khái thế nào được. Đây là điểm quan trọng nhất. Không biết họ có bao nhiêu quân, chút nữa họp làm sao phân công lực lượng được?

Nhật cố vớt vát:

– Tuyên nó dồn hết lực lượng phòng thủ lên Phụng Ngọc, nên quân giữ thành không còn được một phần ba số cũ. Không hơn một trăm tên đâu. Lại thêm bọn này đều nhờ lo lót hoặc có thần thế mới ở lại thành, nên chúng nó có sợ ai đâu. Phép tắc chẳng ai coi ra gì. Canh tác trễ tràng. Người của tôi bỏ đội mấy ngày lên tận An Vinh mà chúng không hay biết gì. Lúc về vào cửa thành cũng không ai xét hỏi.

Nhạc cố giảm bớt sự mừng rỡ:

– Biết đâu thằng đó nói khoác cho vừa lòng ông!

Nhật cương quyết đáp:

– Không đâu. Tên này rất thành thực. Bao nhiêu tin tức hắn cung cấp lâu nay đều đúng cả.

Rồi, để chứng minh rõ thêm khả năng điều tra tình hình phía địch của mình, Nhật rút trong thắt lưng ra một tờ giấy bản gấp lại bằng ba ngón tay. Cẩn thận mở rộng tờ giấy nhàu nhò ra vì sợ làm rách, Nhật trải lên tràng kỷ, mặt hớn hở. Nhạc ngạc nhiên hỏi:

– Cái gì thế?

– Bản đồ phủ Qui Nhơn. Có ghi chú đầy đủ vị trí các đồn canh, kho lúa, kho khí giới, tàu ngựa, nơi Tuyên làm việc, nhà giam…

Nhạc mừng rỡ cầm tấm bản đồ lên xem, quên mất mắt mình yếu không thể nhìn gần được. Ông sờ soạng tìm cái kính nơi bọc áo, tay run run. Ông không tìm thấy kính. Nhạc đành phải đưa bản đồ ra thật xa, nhíu mắt cố nhìn cho kỹ bảo vật quí giá. Đúng như Nhật nói, trên bản đồ có ghi thật tỉ mỉ những gì Nhạc cần biết. Ông hớn hở quay sang phía Nhật hỏi:

– Ông khá thật. Đứa nào mang đến thế?

Nhật cố chậm trả lời tăng sự quan trọng của mình:

– Một con buôn khả nghi. Hắn khai là người của ông Thung, mang thư riêng lên cho ông Huyền Khê để chuyển lại cho đệ nhất trại chủ. Tôi không tin, đánh cho mấy bạt tai. Hắn tức tối lôi tấm bản đồ này ra làm chứng.

Nhạc vội hỏi:

– Ông bắt được nó khi nào?

– Tối hôm qua. Tôi còn giam nó đó, chưa cho ông Khê biết.

– Ngoài tấm bản đồ này còn thư từ gì khác không?

– Không.

– Có khám xét kỹ quần áo, búi tóc nó không?

– Kỹ lắm nhưng không thấy gì khác. Nó một mực bảo chỉ có tấm bản đồ này. Nó khai ông Thung chỉ nhắn miệng với Huyền Khê là ông ấy bận không lên họp được, nhờ ông Khê chuyển bản đồ này cho trại chủ. Cuộc họp quyết định thế nào, xin truyền gấp xuống cho ông ấy.

Nhạc im lặng thật lâu, vẻ mặt lo lắng. Nhật không dám nói gì thêm. Sau đó, Nhạc hỏi:

– Còn tình hình nội bộ ta như thế nào? Có thể tin cậy được bọn Tuy Viễn không?

Nhật do dự một lúc, rồi đáp:

– Dĩ nhiên ta đã chia vùng thì khó lòng hiểu nhau, phối hợp với nhau được. Dưới An Thái cứ lộn xộn hoài vì tụi con buôn em út của Tập Đình, Lý Tài. Lính anh Huệ lỡ đi sâu một chút xuống phía đông là nhất định có chuyện. Đến tối qua, những người ta mời đều cho người đến họp cả, trừ ông Thung, và bọn Nhưng Huy, Tứ Linh. Không hiểu họ không chịu đi họp, mà còn cho người mang bản đồ phủ thành Qui Nhơn lên đây làm gì?

Nhạc tức giận nói:

– Có thế mà ông lấy làm lạ sao! Họ sợ mình nghi ngờ, nên đưa tấm bản đồ lên góp công. Có điều tôi còn thắc mắc, là hắn còn định nhắn Huyền Khê điều gì nữa!

Nhật nhỏ nhẹ nhắc:

– Ông cứ hỏi anh Lữ thì rõ.

Nhạc gật đầu chầm chậm, vì còn mải suy nghĩ. Có lẽ câu chuyện Nhật vừa kể quấy rầy ông quá nhiều, nên Nhạc quay qua chuyện khác. Ông hỏi:

– Các toán quân của ta vẫn thường chứ?

– Vẫn thường. Toán ông Tuyết hơi rắc rối vì bọn du thủ du thực bất trị, nhưng có đỡ hơn tuần trước. Phía An Vinh từ khi Tuyên (Bùi Đắc Tuyên) về mọi sự đâu vào đó cả. An Thái cũng vậy. À, lại có mấy lá đơn thưa Hai Nhiều.

– Lại Hai Nhiều. Tôi đã gọi lên cảnh cáo rồi mà!

– Lần này hơi khác. Tôi đoán bên trong có chuyện tranh chấp buôn bán sao đó.

– Phiền quá. Thế nào sau vụ này ta cũng phải tìm người thay lão già quá quắt. Nhưng tìm ai bây giờ! Ông tìm cho tôi một người đi. An Thái quan trọng lắm, không để sơ hở được. Ông xem trong số anh em bà con có ai được việc không?

Nhật cảm động vì sự ưu ái tin cẩn của trại chủ, giọng nói run run:

– Tiếc thật. Ngoài hai anh em tôi, gia đình còn lại toàn đàn bà con gái. Đứa lớn nhất mới lên mười ba.

– Tiếc nhỉ. À này, mấy đứa em gái có giống ông không?

Biết Nhạc muốn chế giễu thân mật vẻ cục mịch của mình, Nhật cười đáp:

– Không đâu! Chúng nó đẹp ra phết. Nhất là con bé lớn.

Thấy đã đến giờ họp, Nhạc đứng dậy, bông đùa lần cuối với người thuộc hạ thân tín:

– Chà ít năm nữa, tôi sẽ đứng ra làm mai giúp tìm cho nó một tấm chồng xứng đáng. Làm công không thôi. Nếu muốn trả ơn, thì được, một cơi trầu nguồn. Được chứ!

*

* *

Bên phòng họp, Lý Tài và Chinh đến sớm nhất. Chinh muốn gặp Nhạc trước để báo cáo cho Nhạc rõ tình hình hai toán Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân theo lời dặn của trại chủ, nhưng người lính gác ngăn lại, bảo Bùi Văn Nhật đang ở phòng Nhạc. Anh đi đi lại lại, nóng ruột chờ. Hai người nói chuyện lâu quá, mà Chinh lại không muốn trở lại phòng họp để chạm mặt Chỉ. Anh ghét cay ghét đắng điệu bộ lễ mễ, trân trọng từng bước do thói quen nghề nghiệp của Chỉ. Sự ràng buộc, nếu đôi lúc con người ta phải thu mình tuân theo, đâu phải là một điều đáng hãnh diện đến như vậy! Nó hoàn toàn trái với tự nhiên như lá xì xào khi gió thổi, nước lụt tràn bờ sông, mồ hôi ướt rịn khi trời nóng. Chinh nhớ có lần cha nhắc đến một câu của Lão Đan: “Nóng thì cứ đổ mồ hôi, lạnh thì cứ run lên”. Anh khoái được sống thoải mái tự nhiên như vậy nên thù ghét sự gò bó. Còn đối với những kẻ xem sự gò bó là một nghi thức, một nghệ thuật, thậm chí là một cách xử kỷ tiếp vật cao siêu và khôn ngoan, thì phải nói là Chinh khinh bỉ. Đôi lúc anh nghĩ có lẽ vì thế mà có hố ngăn cách giữa mình và cha.

Khi hôm cùng lên Kiên thành với Lý Tài, Chinh chưa kịp thăm cha. Sáng nay anh có thể nhân cơ hội này tìm gặp ông giáo, nhưng anh cứ ngại ngùng. Anh có một cớ chính đáng để yên tâm: anh phải chờ gặp cho được trại chủ trước cuộc họp. Chờ lâu quá, Chinh đành trở ra phòng họp. Chỉ đang nói chuyện với Lý Tài. Chỉ quen nói thật chậm, như cân nhắc từng chữ trước khi mở môi, nên Lý Tài nghe hiểu hết lời Chỉ. Họ có vẻ tương đắc, vừa uống trà vừa bàn tán một cách trang trọng, dễ dàng những điều Chinh không hiểu. Anh đến chỗ cửa phòng, đứng ngắm hình mấy con rồng màu vàng cuốn quanh bốn cây cột sơn đỏ. Nước sơn còn mới, nét vẽ vụng về của một tay chuyên trang trí các chùa miếu ở thôn quê. Chinh nghĩ: lại thêm một sáng kiến của lão thầy cúng. Thà cứ để nguyên bốn cây cột gỗ kiền kiền màu nâu lại hay hơn!

Bùi Đắc Tuyên bước vào phòng họp. Chinh gật đầu chào, không muốn đến bắt chuyện vì hai người khác tính nhau, mà Chinh lại không ưa cách nói chuyện đãi bôi, dùng dằng nào sức khỏe, gia cảnh, thời tiết, mùa màng. Tuyên có nét mặt giống Nhật, nhưng nhìn chung có vẻ thanh tú hơn. Mày Tuyên rậm, hai hàm bạnh, giống Nhật, còn cái mũi nhô và cao hơn, môi dưới mỏng mím lấy môi trên, không trệ xuống cằm như môi Nhật.

Vì Tuyên cũng không ưa Chinh nên vừa chào hỏi lấy lệ Chỉ và Lý Tài xong, ông lảng ra phía cửa sổ phòng họp. Hết đứng ôm song cửa sổ nhìn ra ngoài trời, Tuyên lại nhìn mấy con rồng. Chưa tin ở mắt mình, ông lấy tay di di lên lớp sơn. Dấu chỉ đầu ngón trỏ in trên lớp sơn ướt. Tuyên nghĩ y như Chinh: lại một trò mới của lão thầy cúng! Tuyên nhìn qua chỗ Chinh đang đứng, định tìm một người để nói điều mình vừa nghĩ. Nhưng thấy vẻ mặt lạnh lùng, cách ăn vận lạ mắt của Chinh, Tuyên do dự.

Tuyết, Lộc và Năm Ngạn cùng đến. Chinh mừng rỡ chạy đến chào hỏi Tuyết và Lộc, còn Năm Ngạn xán lại phía Chỉ.

Tuyết thân mật vỗ lưng Chinh cười ha hả. Tuyết to tiếng hỏi:

– Thế nào, khách hảo hớn?

Chinh vỗ vai Tuyết, hỏi lại:

– Mạnh giỏi, đại huynh?

Rồi cả hai cùng cười rổn rảng, làm cho Chỉ nhăn mặt khó chịu. “Khách hảo hớn” và “đại huynh” là cách hai người quen gọi đùa nhau, khi còn cùng ở chung một đội. Tuyết chỉ Lộc (Nguyễn Văn Lộc) nói:

– Mày đi hai đứa tao lẻ đạn, đâu còn đủ như Lưu – Quang – Trương kết nghĩa vườn đào nữa!

Tuyết liếc về phía Lý Tài, ghé sát Chinh hỏi đùa:

– Hậu cần cho “xếnh xáng” có mệt không?

Chinh cười gạt đi:

– Nói bậy. Hai ông ấy khá lắm. Nhất là Lý xếnh xáng.

Lộc chen vào hỏi:

– Đã học được mấy câu tiếng Tàu rồi?

Chinh thú thật:

– Mới lẫm bẫm thôi. Ông Lý thạo tiếng Nam, mình nói gì ổng đều hiểu miễn là nói chầm chậm. Còn ông kia thì… mỗi lần có việc cần nói phải mỏi cả tay.

Tuyết cười to, nói:

– Càng tốt. Mày vừa nói vừa tập quyền, còn đòi gì nữa. Ủa, lão quạu đâu rồi?

Chinh không hiểu hỏi:

– Lão quạu nào?

– Thì xếnh xáng của mày chứ ai! Lão Tập Đình mặt lúc nào cũng hằm hằm, quạu quọ đó.

Chinh định nói, nhưng giật mình, ngưng lại kịp. Anh nhớ đến điều quan trọng cần báo ngay với Nhạc, đưa mắt nhìn về phía cửa phòng trại chủ. Cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Chinh nói:

– Họ bạn bè thân thiết với nhau từ lâu, đi một người đủ rồi.

Lúc ấy Lộc mới đưa ra nhận xét:

– Anh mặc áo kiểu gì thế?

Chinh đỏ mặt, lắp bắp biện hộ:

– Ấy, đi với ma phải mặc áo giấy. Sống giữa người Tàu, ăn mặc khác đi, khó lắm.

Lộc thắc mắc hỏi:

– Tôi nghe Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân chỉ ở trần, đầu bịt khăn đỏ, cổ đeo giấy vàng bạc. Trước khi ra trận họ uống rượu thật say. Có đúng thế không?

Chinh đáp:

– Đúng.

Tuyết hỏi:

– Thế sao mày lại mặc áo này. Khăn đỏ đâu? Chinh hơi bất bình vì Tuyết nắm cổ áo mình hơi chặt, đưa tay gỡ tay bạn ra, trước khi nói:

– Chỉ bọn lính mới ở trần. Cấp chỉ huy phải khác chứ. Vả lại họ chỉ ở trần uống rượu khi xông trận thôi. Do thói quen của thời làm cướp biển đấy mà!

Vừa lúc đó ông giáo và Huyền Khê tới. Chinh bỏ đám bạn cũ, chạy đến chào cha. Ông giáo mừng rỡ thấy con vẫn khỏe mạnh. Bao nhiêu lo lắng lâu nay thoắt một cái đã tan hết. Ông mừng nhất là thấy Chinh khỏe và tươi tắn hơn trước (Ông quên trước đây mỗi lần bất đắc dĩ phải gặp cha, Chinh vẫn mạnh khỏe nhưng bộ mặt cứ dàu dàu). Ông giáo hỏi:

– Sao khi hôm không lên?

Chinh liếc về phía Lý Tài, hạ thấp giọng nói với ông giáo:

– Trường dặn con không nên để ông ấy một mình. Con trông cha hơi ốm!

Ông giáo đưa tay bẹo má mình, buồn rầu đáp:

– Độ này cha không ngủ được. Ăn uống thất thường. À, con biết chưa, con An với thằng Lãng đã về An Thái rồi.

Chinh ngạc nhiên, nói:

– Con tưởng chúng nó xuống đây để lo cơm nước cho cha chứ! Xuống chỗ tên đạn đó làm gì!

Ông giáo ngậm ngùi nói:

– Cha có ngăn, nhưng lạ lắm, chúng nó cứ nằng nặc đòi về cho được. Nhất là con An. Ở đây nhiều bữa cha nằm cả ngày, không thiết đi đâu nữa.

Chinh ái ngại thương cha, ngước nhìn mái tóc đã bạc trắng của ông giáo. Không muốn kẻ khác thấy xúc động yếu đuối của mình, ông giáo hỏi con:

– Ông Nhạc chưa đến à?

Chinh đáp:

– Dạ còn nói chuyện với ông Nhật trong kia. Hình như chuyện quan trọng lắm, lính gác đã được dặn không cho ai vào.

Ông giáo hơi thất vọng, nhớ lại trước đây không có việc quan trọng nào mà Nhạc không hỏi ý kiến ông trước.

*

* *

Lúc cuộc họp sắp bắt đầu, ông giáo ngồi quay hướng về phía Chinh. Vì là tùy viên của Lý Tài, Chinh ngồi ở cái ghế kê sát sau lưng vị chỉ huy trực tiếp. Nhờ khoảng cách không gian, và tình cha con dạt dào đã lắng, ông giáo mới bình tĩnh, khách quan nhìn kỹ Chinh hơn. Ông ngờ ngợ thấy Chinh có gì thay đổi.

Đúng là Chinh có vẻ mạnh khỏe, vạm vỡ hơn. Khuôn mặt như tròn lại. Phải, tròn trĩnh, đầy đặn hơn trước nhiều. Trí ông lơ mơ về hình ảnh tròn đầy. Hình như Chinh đổi khác ở chỗ này. Trước kia khuôn mặt nó đâu có tròn thế! Với mái tóc cứng và dầy… thôi phải rồi, sao tóc nó ngắn vậy? Tuy nó có đội khăn cho thêm chững chạc, nhưng rõ ràng mái tóc dài của nó không còn. Hai bên thái dương tóc mai nhạt, chứng tỏ Chinh đã hớt cụt đầu tóc của mình. Cái răng cái tóc là vóc con người. Nó không hiểu như thế sao?

Ông giáo tò mò quan sát Chinh kỹ hơn, tìm thấy cái áo may theo kiểu Tàu. Lý Tài che mất phần dưới thân thể Chinh, nên ông giáo quay lên nhìn kỹ khuôn mặt con lần nữa. Ông tìm thấy dấu xanh xanh của một hàm râu mới cạo. Đúng là nó thay đổi quá nhiều. Râu, tóc, quần áo, cả cái bộ ngồi dựa ngửa ra lưng ghế, mặt ghếch lên cao, bất chấp sự đời! Càng quan sát con, ông giáo càng lo lắng.

Cửa phòng Nhạc xịch mở. Nhật bước ra trước, nét mặt cố làm ra vẻ nghiêm trọng khi thấy mọi người quay nhìn về phía mình. Ông giáo nghe tiếng Nhạc cười, và câu bông đùa “Nếu muốn trả ơn, thì được, một cơi trầu. Được chứ”.

Chỉ đứng bật dậy. Mọi người trong phòng ngỡ ngàng chưa hiểu, nhưng ngay sau đó, họ hiểu liền. Kẻ trước người sau loạc choạc, cuối cùng tất cả đều đứng nghiêm trang vái chào Nhạc. Nhật khựng đứng lại, không dám tiến, chờ Nhạc. Lần đầu tiên Nhạc thấy những người thân thuộc đón tiếp mình long trọng như vậy. Ông lặng người vì sung sướng, cười ha hả nói lớn:

– Chào tất cả anh em…Chào tất cả quí vị. Đông đủ cả rồi chứ! Vâng, ông Nhật báo cho tôi biết trước là thiếu ông Thung. Lý tiên sinh, mạnh giỏi? Mời quí vị an tọa. Lợi ơi, cho mang nước và trầu lên nhé. Các vị cứ tự nhiên, dịch lại đây cho nó rộng. Tôi ốm o thế này mà quí vị chừa cho cả một nửa tràng kỷ, phí đi. Rồi nhìn quanh một lượt xem mọi người đã ngồi đúng vị trí chưa, Nhạc xoa tay bảo: Chúng ta bắt đầu thôi!

Nhạc hất hàm bảo Nhật:

Ông nói qua cho quí vị biết tình hình dưới phủ ta đi!

Nhật đứng dậy, cúi chào Nhạc để xin phép nói. Nhạc chỉ cười chứ không gật đầu đáp lại. Nhật tóm tắt gọn ghẽ, rõ ràng những điều ông vừa trình bày với Nhạc. Riêng về quân số hiện canh giữ phủ, để đề phòng bất trắc, ông tăng con số dự đoán lên tới ba trăm. Nhạc chờ Nhật nói xong, mới hỏi:

– Quí vị nghĩ thế nào? Chúng nó quân đông, khí giới nhiều hơn ta, nhưng tinh thần bạc nhược. Tình thế đã chín mùi, tôi tính đánh rốc một trận chiếm phủ Qui Nhơn. Quí vị nghĩ sao?

Tuy đã đoán trước được lý do cuộc họp, nhưng khi nghe Nhạc hỏi người này nhìn người kia không ai dám trả lời trước. Nhạc chờ một lúc, tưởng nhiều người còn sợ, rút tấm bản đồ trải lên bàn nói:

– Ta đã nắm rõ cách bố trí đồn trại, kho tàng, cơ quan trong phủ. Bây giờ gặp lúc thuận tiện ta không chiếm phủ ngay, sau này chúng được Thuận Hóa và Gia Định tăng cường, ta khó lòng có cơ hội tốt như thế nữa. Ông Huyền Khê có thấy thế không?

Huyền Khê bối rối đáp theo kiểu lơ lửng:

– Vâng, nếu quả dưới phủ chúng bạc nhược, canh gác trễ tràng lỏng lẻo như ông Nhật nói, thì…

Nhạc cắt lời Huyền Khê:

– Ông nghĩ chúng mạnh lắm sao! Tấm bản đồ này, chắc ông đã xem rồi. Ông thấy đấy, đồn canh như thế ăn thua gì. Ông có nhớ chỗ vẽ nhà giam không. Đáng lý chỗ đó phải canh gác cẩn mật lắm. Nhưng chúng chỉ đặt có một trạm gác ở cửa. Trại giam lại nằm sát sau lưng tòa phủ.

Khê ngơ ngác, không hiểu Nhạc đang nói gì. Nhạc thấy Huyền Khê hoang mang ngỡ ngàng như người đi lạc, mừng rỡ hiểu rằng tên con buôn chưa kịp gặp Huyền Khê đã bị Nhật bắt. Nhạc cười, quay sang hỏi ông giáo:

– Trước khi hỏi Lý tiên sinh, xin hỏi thầy:

Ông giáo đáp:

– Bên địch yếu, tôi cũng tin chắc như vậy như ông Nhật. Nhưng đồng thời ta phải nhận là bên ta chưa mạnh. Cho nên quyết định đánh lấy phủ Qui Nhơn hay không, còn tùy thuộc vào cách đánh nữa. Xin cho bàn cách đánh phủ trước.

Nhạc quay về phía Lý Tài:

– Bây giờ đến lượt Lý tiên sinh.

Lý Tài nhanh nhẩu đáp:

– Tôi cũng nghĩ như thầy giáo. Nếu ta chọn được cách đánh thích hợp, nâng sức mạnh ta lên áp đảo được địch, thì mới nên nghĩ đến chuyện đánh.

Nhạc hơi thất vọng vì thấy ba ý kiến đầu tiên của những người đứng tuổi đều khôn khéo và né tránh trả lời thẳng vào câu hỏi. Nhạc đành phải giải thích kế hoạch đánh phủ:

– Ý quí vị như vậy, tôi xin vâng. Tôi tính thế này. Hiện quân phủ dồn hết sức chống đỡ hai mặt: mặt bắc nhằm bảo vệ hai kho lương lớn là Càn Dương và Nước Ngọt và con đường thông thương ra Quảng Nam, mặt tây án ngữ Phụng Ngọc ngăn ta tấn công xuống. Bên ta hiện nay phía Thuận Truyền có Tuyết và Lộc, An Vinh có ông Tuyên, An Thái có chú Huệ, mặt nam Tuy Viễn có ông Thung và Lý tiên sinh đây. Đối mặt đánh nhau, chưa chắc ta làm gì được chúng. Quân không đông hơn. Vũ khí lại kém. Cho nên tôi tính đến đòn dùng mẹo và liều. Tôi cho chú Huệ rục rịch khua chiêng gióng trống dưới An Thái làm như ta sắp tấn công xuống. Chúng tưởng ta sắp vượt cầu Phụng Ngọc, dồn hết sức phòng ngự, quân phía bắc và nam sẽ bị trải mỏng ra. Nhờ thế, ông Thung dưới Tuy Viễn và Trung, Hòa nghĩa quân sẽ kín đáo chia từng toán nhỏ luồn lách rồi tập hợp chờ sẵn ở phía nam phủ. Tuyết, Tuyên, Lộc thì lo mặt bắc. Phần tôi sẽ chọn một số nhỏ anh em dũng mãnh, gan góc, liều lĩnh, dùng kế trở thành nội tuyến từ trong phủ đánh ra.

Nhạc dừng lại, nhìn quanh khắp phòng. Mọi người lắng nghe kế hoạch quan hệ đến lẽ sống chết của tất cả mọi người. Căn phòng im phăng phắc. Nhạc thỏa mãn vì đã gây được sự chờ đợi náo nức cho mọi người, bắt đầu trình bày kế liều lĩnh của mình:

– Những tên ông Nhật gài được vào trong phủ phần lớn đều chậm chạp, kém ứng biến, thiếu liều lĩnh. Mà không có nội tuyến mở cửa thành, ta đánh đến bao giờ mới vượt được hào lũy! Việc này thiên nan vạn nan. Làm sao ta ém sẵn được một số quân tinh nhuệ ngay trong phủ, chờ giờ thuận tiện, vùng dậy bắn hỏa pháo làm hiệu, mở cửa thành cho quân các ông ập vào? Làm sao? Các ông nghĩ giùm tôi đi!

Không ai dám thở mạnh, sợ Nhạc chỉ định mình hiến kế. Nhạc chờ thật lâu không thấy ai trả lời, mới cười nhạt nói:

– Tôi biết trước là khó tìm người dám liều lĩnh và đủ tài trí để làm việc đó. Thôi, không ai làm thì tôi lãnh. Tôi tính thế này nhé; Tôi sẽ cho đóng một cái cũi chắc chắn. Không phải để khiêng heo đi biếu Nguyễn Khắc Tuyên đâu. Tôi sẽ cho người trói chân tay, đóng gông rồi nhốt tôi vào cái cũi đó. Toán anh em đởm lược sẽ giả dân quê khiêng tôi xuống nộp cho quan phủ để lãnh thưởng. Dĩ nhiên chúng sẽ mở rộng cửa thành đón tôi vào. Nhà giam, như các ông thấy trên bản đồ, nằm sát sau lưng tòa phủ. Tuyên sẽ giam tôi ở đó. Chờ đêm đến, anh em sẽ tháo cũi cho tôi ra. Thế là chỉ cần hú lên một tiếng, bên trong bên ngoài hưởng ứng, Tuyên có chạy chắc không kịp mặc quần đâu!

Cả phòng ồ lên thán phục và mừng rỡ. Tiếng cười tiếng nói huyên náo đột ngột vỡ bùng sau thời gian im lặng căng thẳng. Nhạc cũng cười hể hả. chỉ có Nhật và ông giáo giữ được sự trầm tĩnh dè dặt. Nhạc ngạc nhiên hỏi Nhật:

– Ông sao thế? Có gì không ổn à?

Nhật liếc nhanh về phía Huyền Khê, nói:

– Cái kế liều lĩnh như vậy không thể nói cho nhiều người biết được. Chỉ cần một tên phản bội lén báo trước cho phủ Tuyên là tính mệnh của trại chủ…

Nhật không dám nói tiếp. Ông giáo vội nói:

– Ý ông Nhật hợp ý tôi. Một kẻ nào khác có thể đem mạng sống của mình liều lĩnh đặt lên chiếu bạc, phó mặc may rủi, được thì được cả, mất thì mất hết. Tôi mà làm như vậy, nếu rủi ro, thì đời bớt phải nhọc lòng vì một lão già gàn. Mấy cậu thanh niên như cậu Tuyên cậu Lộc ở đây cũng thế. Quá lắm ta đành cử người thay đội trưởng mới. Nhưng ông cả là đệ nhất trại chủ! Vâng, xin nhớ cho ông là đệ nhất trại chủ. Vận mạng tất cả anh em tùy thuộc rất nhiều ở ông. Ông không được quyền liều lĩnh. Nếu có đứa xấu phản bội báo trước cho Nguyễn Khắc Tuyên biết, như ông Nhật vừa nói, hoặc nếu phủ Tuyên giam kỹ trại chủ vào ngục sâu, thì tình thế sẽ thế nào. Bắt được một người như trại chủ, Tuyên mừng còn hơn bắt được vàng khối. Danh vọng, địa vị, cả tính mệnh của hắn tùy thuộc vào trại chủ. Đời nào hắn lơ lỏng đến nỗi để cho trại chủ tự tháo cũi thoát ra được. Xin ông nghĩ lại xem!

Những lời giải bày của ông giáo khiến Nhạc sợ đổ mồ hôi trán. Nhưng vừa sợ, ông vừa tức. Ông giáo hoàn toàn có lý, thật đáng phục. Mà cũng đáng ghét vì ông gián tiếp chứng tỏ cho mọi người thấy Nhạc chưa chín chắn khi vạch kế hoạch tấn công phủ. Nhạc ở vào thế khó xử, chưa biết phải nói gì.

Lý Tài nói:

– Các việc khó khăn nguy hiểm đã có anh em chúng tôi lo. Trại chủ hãy tin ở chúng tôi. Khỏi phải nhọc lòng dấn vào chỗ bất trắc. Tôi thấy địch đã quá yếu. Chỉ cần nhử cho chúng dồn lực lượng đối phó với An Thái, rồi phía nam có ông Thung và chúng tôi, phía bắc có các cậu trẻ tuổi đây, ta hẹn giờ cùng một lúc ép vào. Thế nào cũng lấy được phủ.

Nhạc cố vớt vát thể diện:

– Nhưng chúng tôi có thể tin chắc sức tấn công ở mặt nam không. Lý tiên sinh có mặt ở đây. Nhưng ông Thung lại vắng. Vạn nhất nếu Tuy Viễn bỏ trống thì chúng tôi ở mặt bắc có mạnh bao nhiêu cũng không ép được quân phủ thúc thủ.

Chinh đứng bật dậy nói lớn:

– Không thể tin ở ông Thung được. Có Lý tiên sinh đây làm chứng. Trước đây hai ngày, Nguyễn Thung cho người lên gặp Trung và Hòa nghĩa quân đề nghị hợp tác để đánh thành Qui Nhơn. Lý tiên sinh từ chối, bảo một việc quan hệ như thế phải do đệ nhất trại chủ quyết định.

Có nhiều tiếng xôn xao trong phòng họp. Tiếng bàn tán mỗi lúc mỗi lớn hơn, trở thành ồn ào. Nhạc hét lớn cho át tiếng ồn, hỏi Lý Tài:

– Có đúng như vậy không, Lý tiên sinh?

Lý Tài điềm tĩnh đáp:

– Vâng. Cậu Chinh nói đúng sự thực.

Nhạc lặng người vì hoang mang, và tức giận. Nhưng bao nhiêu năm quen với những bất ngờ sinh tử, Nhạc không để lộ tình cảm ra nét mặt. Trong lúc mọi người nín thở chờ đợi cơn phẫn nộ òa vỡ, Nhạc đột ngột phá lên cười ha hả. Ông cười xong, hoan hỉ nói:

– Thế mới biết ông Thung đệ nhị trại chủ của chúng ta sâu sắc đến dường nào. Vừa nhận được thư mời, ông ấy đã biết tôi muốn gì. Ông ấy bận không đi họp được, nhưng lặng lẽ lo xong cho trước phần việc mình. Một mặt ông Thung liên lạc trước với Lý tiên sinh để chuẩn bị mặt nam. Một mặt ông ấy cho người đem… đem cái gì lên cho chúng ta, các ông biết không? Chính ông Thung đã gửi cho chúng ta tấm bản đồ quí giá này. Tất cả những điều chúng ta bàn suốt buổi sáng, thì ông Thung đã lo liệu đến hơn phân nửa công việc. Thế mới xứng là đệ nhị trại chủ.

Lại có nhiều tiếng lao xao, cười nói hoan hỉ!

Lúc ấy, một người lính hầu bước vào phòng, đến đưa cho Nhật một mảnh giấy nhỏ. Nhật tiếp tục bàn tán cười vui với mọi người, nhét nhanh mảnh giấy vào thắt lưng. Chờ lúc mọi người không chú ý đến mình, Nhật lẻn ra ngoài hiên xem nội dung nguồn tin vừa gửi tới. Ông lạnh người, mắt hoa đi. Cố đọc kỹ một lần nữa, ông không còn hoài nghi mắt mình kém nữa. Mồ hôi rịn ướt cả hai bàn tay ông. Chờ cho mình trấn tĩnh lại, Nhật mới bước vào phòng họp. Mọi người còn cười nói rôm rả. Nhạc đang rót nước ra cái chén sứ ở bàn nước. Bên cạnh Nhạc không có ai. Nhật đến bên Nhạc, vờ cúi xuống xin trại chủ một chén nước trà, thì thầm vài câu với Nhạc. Cái nắp bình trà rơi xuống đất vỡ tan thành nhiều mảnh nhỏ. Mọi người quay lại nhìn trại chủ. Nhạc đặt bình nước xuống bàn, đưa chén lên uống cạn, rồi hớn hở loan báo:

– Anh em! Vừa có tin vui đây! Ông Thung vừa cho người lên báo là đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng chúng ta tấn công chiếm phủ Qui Nhơn. Như vậy là ta khỏi lo mặt nam bị trống nữa. Tôi quyết định bắt đầu tiến quân ngay bây giờ. Bằng cách nào nhanh nhất, các ông về ngay với quân của mình. Tập họp gấp quân lính, khí giới sẵn sàng. Tôi sẽ cho đem lệnh đến cho từng người. Các ông cứ y theo lệnh mà làm, không được tự ý thay đổi. Tình thế gấp lắm. Khỏi cần nói với tôi lời từ biệt. Các ông chạy ra cổng, lên yên ngay cho.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3944

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây