Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngBài Viết Về Nguyễn Mộng GiácNiềm vui của tác giả “Sông Côn mùa lũ”

Niềm vui của tác giả “Sông Côn mùa lũ”

Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/4444p0c15/niem-vui-cua-tac-gia-song-con-mua-lu.htm

Mỗi lần trở về Việt Nam, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một Việt kiều Mỹ hiện sống ở California luôn cảm thấy được tiếp thêm sinh lực và cảm hứng vì những niềm vui dồn dập. Bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ hơn 2.000 trang viết về cuộc đời người anh hùng áo vải Quang Trung do ông sáng tác tại Việt Nam trước khi sang định cư ở Mỹ đã được Nhà xuất bản Văn học tái bản 2 lần ở trong nước và lần nào cũng bán hết veo.

Trong bối cảnh văn học thời đổi mới xuất hiện một số tác phẩm viết về vua Quang Trung theo lối “nã đại bác vào quá khứ”, thì việc Nguyễn Mộng Giác viết hơn 2.000 trang tiểu thuyết xây dựng nhân vật Nguyễn Huệ như một con người ân tình, trung nghĩa, có cốt cách của người trí thức nho học tập hợp được những người tài khác hẳn với ấn tượng nông dân võ biền thường thấy trong những tưởng tượng và sáng tác về ông, là một bước đột phá của dòng tiểu thuyết lịch sử với cách nhìn táo bạo và mới mẻ. Vì thế bộ sách đã được nhiều độc giả trong nước đón nhận khá trân trọng và xúc động.

Sau khi bộ tiểu thuyết này được Đài Tiếng nói (TN) Việt Nam cho đọc ròng rã nửa năm trời trên chương trình đọc truyện, nhiều độc giả ở các tầng lớp, các lứa tuổi đã say mê theo dõi cuộc đời người anh hùng áo vải Quang Trung và mối tình rất đẹp của ông với cô An. Khi về nước, Nguyễn Mộng Giác đến thăm Ban Văn nghệ của Đài TN Việt Nam và được xem những bức thư cảm động của thính giả gửi về Ban biên tập bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc với bộ tiểu thuyết họ được nghe trên sóng. Theo địa chỉ trên thư, Nguyễn Mộng Giác đã tìm gặp một số thính giả yêu quý văn mình và xúc động trước những tình cảm họ dành cho tác phẩm. Có bà già về hưu sống cô đơn đã nghe không sót buổi đọc nào, hồi hộp dõi theo số phận cô An người yêu của Nguyễn Huệ, thậm chí có hôm lịch đi tập ở công viên trùng với giờ có buổi đọc Sông Côn mùa lũ, bà cứ phân vân sợ đi tập về muộn không kịp nghe từ đầu buổi đọc truyện nên cuối cùng lại thôi không đi tập nữa. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết, ở Mỹ nhiều người cao tuổi mắt kém không đọc được sách cũng nhờ Đài TN Việt Nam mà có cơ hội tiếp xúc với bộ trường thiên tiểu thuyết của ông. Ông tiếc là đã không kịp ghi lại được đầy đủ những chương trình đã phát. Trong đợt về nước vừa qua, ông đã tìm gặp nghệ sĩ Hoàng Yến để cảm ơn và ngỏ ý muốn nhờ bà đọc lại toàn bộ hơn 2.000 trang sách đã phát thanh để ghi lại thành băng đĩa phục vụ những độc giả người Việt ở Mỹ có nhu cầu nghe đọc truyện.

Niềm vui này chưa qua, niềm vui khác lại ập đến. Năm 2006, qua một diễn đàn trên internet, Nguyễn Mộng Giác được biết Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh muốn mua bản quyền bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ để làm phim nhiều tập. Đạo diễn Trần Việt Hưng đã liên hệ với nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua email và được ông đồng ý. Cuối năm ngoái, nhân dịp về nước, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đến Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng bán bản quyền Sông Côn mùa lũ cho đài làm phim và ngay sau khi ký ông lập tức nhận được ngay 70 triệu đồng “tiền tươi” từ Phòng tài vụ của bản đài.

Sau cuộc gặp gỡ đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Nguyễn Mộng Giác thấy rất yên tâm vì đạo diễn tỏ ra cẩn trọng, biết lượng sức mình. Nguyễn Quốc Hưng cho rằng anh làm phim truyền hình dài tập là vừa sức. Làm phim nhựa đạo diễn sẽ phải phân tích sâu về tâm lý nhân vật, thể hiện nhiều trạng thái tinh tế trong mối quan hệ giữa Nguyễn Huệ và cô An như cảnh Nguyễn Huệ âu yếm cô An một cách quên mình. Nếu đạo diễn thành công thì những cảnh đầy chất văn học đó sẽ rất hay, nhưng nếu đạo diễn và các diễn viên không cao tay thì có thể sẽ cho ra những cảnh phim lố bịch, minh họa một cách vụng về những chi tiết văn học rất tinh tế trong tiểu thuyết.

Từ 10 năm trước, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và nhà văn Mai Quốc Liên, hai người có công đưa bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ về Việt Nam, đã có ý định tổ chức làm phim nhựa hoành tráng về anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ dựa theo bộ tiểu thuyết này và đã được Nguyễn Mộng Giác tỏ ý hết sức ủng hộ. Nhưng dự án lớn cần có thời gian. Trong khi chưa có điều kiện làm phim truyện nhựa thì việc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh quyết định tổ chức làm phim truyền hình dài tập dựa trên bộ tiểu thuyết này là một việc làm nhạy bén, khả thi, có ý nghĩa lớn trong thời điểm hôm nay khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nguyễn Quốc Hưng là đạo diễn được đào tạo từ Ấn Độ, một cường quốc điện ảnh châu Á nên anh có những cách nhìn, cách xử lý những vấn đề trong phim lịch sử gần gũi với văn hóa phương Đông. Sau thành công của bộ phim truyền hình lịch sử Ngọn nến Hoàng cung, người xem có quyền hy vọng vào đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng và êkíp làm phim của anh trong các dự án làm phim lịch sử. Hy vọng rằng bộ phim truyền hình dài tập Sông Côn mùa lũ sẽ kịp ra mắt khán giả truyền hình vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó cũng là một niềm vui lớn của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cho ông thêm cảm hứng sáng tác tiểu thuyết lịch sử về những con người, những vùng đất của quê hương Việt Nam.

Hiện nay Nguyễn Mộng Giác đang ấp ủ một bộ tiểu thuyết lịch sử mới về cuộc sống cung đình của các triều đại vua chúa Việt Nam xưa gắn liền với những tập tính của các cư dân sống trên sông nước. Hy vọng đây sẽ là một bộ tiểu thuyết hấp dẫn, độc đáo, trong đó cốt cách Việt, cốt cách bình dân trong những ông hoàng bà chúa sẽ được phân tích từ một góc độ mới, với cách nhìn nhân bản và dân dã, đem đến cho người xem những hình tượng thấm đẫm văn hóa Việt.

Thứ tư, 20/6/2007

   Số lần đọc: 4113

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây